10 tháng, Việt Nam nhập khẩu 12,65 triệu tấn thép thành phẩm
Mặc dù sản phẩm thép các doanh nghiệp trong nước sản xuất ra cung đang vượt cầu, nhưng hàng nhập khẩu vào Việt Nam vẫn nhiều, làm cho đầu ra của sản phẩm thép sản xuất trong nước ngày càng bị thu hẹp, khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên.
10 tháng đầu năm 2017, lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 12,65 triệu tấn, trị giá hơn 7,393 tỷ USD, giảm 14% về lượng, nhưng tăng 17% về giá trị.
Đáng chú ý, trong tổng số thép nhập khẩu nói trên, chiếm tỷ trọng lớn (48,09%) vẫn là Trung Quốc với lượng nhập khẩu gần 6,1 triệu tấn thép. Tiếp theo là các quốc gia, như: Nhật Bản chiếm 1,85 triệu tấn, chiếm 14,5%; Hàn Quốc 1,41 triệu tấn, chiếm 13,39%; Đài Loan 1,34 triệu tấn, chiếm 10,58%; Ấn Độ 1,24 triệu tấn, chiếm 9,8%...
Với áp lực trên không còn cách nào khác buộc doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải rất nỗ lực mới có thể khơi thông được thị trường đầu ra. Trong 10 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu thép thành phẩm đạt hơn 3,85 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,6 tỷ USD, tăng 32% về lượng, và tăng 56% về giá trị. Trong đó, ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 2,22 triệu tấn thép, chiếm tới 58,6% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, thép cuộn cán nguội (CRC) mặc dù có thế mạnh xuất khẩu nhưng xuất khẩu trong 10 tháng lại giảm 25% so với cùng kỳ năm 2016, chỉ đạt 394.432 tấn.
Dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là từ nay tới quý I/2018, việc tăng trưởng của thị trường thép xuất khẩu là không hề đơn giản vì các nước đều dựng hàng rào kỹ thuật. Ví dụ, Mỹ là thị trường xuất khẩu thứ 4 của Việt Nam nhưng họ lại áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chủ yếu thép mạ và tôn cán nguội. Do vậy, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và thị trường ASEAN giảm là điều khó tránh khỏi.