Bộ KH&ĐT vạch 6 điểm yếu của hệ thống điều kiện kinh doanh
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/7/2017 về đánh giá hệ thống các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng của hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKKD) tại Việt Nam.
Theo đó, tổng hợp, thống kê hiện hành các quy định về ĐKKD cho thấy, hiện nay, tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện. Bộ KH&ĐT cũng lưu ý, đây là con số cập nhật đến ngày 10/8/2017 và chưa phải là con số cuối cùng. Các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm từ Luật (66), pháp lệnh (3), nghị định (162) và hiệp định (6).
Hiện nay 15 bộ có quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, trong đó Bộ Công Thương có số điều kiện lớn nhất với 1.152 điều kiện, Bộ Tư pháp có ít điều kiện nhất với 64 điều kiện.
Theo Bộ KH&ĐT, hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh có điều kiện hay thay đổi và khó để có thể theo dõi, thống kê và cập nhật một cách chính xác, kịp thời. Nguyên nhân một phần do cơ cấu phức tạp và số lượng lớn các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh.
Đánh giá về thành tựu về cải thiện hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thời gian gần đây, Bộ KH&ĐT cho biết, việc ban hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014 đã thể hiện một nỗ lực mới của Quốc hội và Chính phủ trong quyết tâm cải thiện chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh. Việc ban hành và thực thi hai luật này trong thời gian 2 năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, hệ thống các quy định về ĐKKD còn nhiều điểm bất cập, làm giảm sức cạnh tranh của DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Những điểm yếu của hệ thống quy định về ĐKKD đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Thứ nhất, các ĐKKD đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới, làm nản lòng các DN đang hoạt động.
Thứ hai, các ĐKKD đang làm giảm cạnh tranh thị trường. Do các yêu cầu, điều kiện ngặt nghèo các nhà đầu tư tiềm năng không thể gia nhập thị trường, không tạo ra áp lực cạnh tranh.
Điểm yếu thứ ba, theo Bộ KH&ĐT, các điều kiện kinh doanh đang làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của DN. Nhiều điều kiện kinh doanh bắt buộc DN phải kinh doanh theo một phương thức nhất định, phải sử dụng một loại công nghệ nhất định, phải thành lập một loại doanh nghiệp nhất định.
Thứ tư, nhiều ĐKKD đang làm giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.Nhiều ĐKKD làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, làm giảm giá trị gia tăng doanh nghiệp có thể tạo ra, qua đó làm giảm năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ năm, nhiều ĐKKD tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.Nhiều giấy phép kinh doanh có thời hạn ngắn, khiến doanh nghiệp khó dự liệu cho tương lai, không muốn đầu tư lớn. Nhiều ĐKKD yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch trong khi Nhà nước chưa có quy hoạch và quy hoạch có nhiều thay đổi.
Điểm yếu tiếp theo, Bộ KH&ĐT cho rằng, nhiều ĐKKD không rõ ràng, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện trong quản lý nhà nước và sự nhũng nhiễu của một số cán bộ. Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể, ví dụ như: “rõ ràng”, “phù hợp”, “đủ”, “sạch sẽ”, “thoáng mát”, “có đủ”, “thuận tiện”, “thích hợp”, “có đạo đức tốt’, “đủ sức khỏe”, v.v. “Những điểm không rõ ràng này chính là cơ sở để một số cán bộ vòi vĩnh doanh nghiệp, gây ra chi phí phi chính thức lớn cho DN”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Theo Bộ KH&ĐT, chưa có đổi mới đáng kể về tư duy và phương thức quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, các biện pháp về kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh không được thực thi hoặc thực thi chưa đầy đủ là nguyên nhân cơ bản của những yếu kém, khiếm khuyết hệ thống quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh.