Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Có năng lực cạnh tranh toàn diện sẽ không bị phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào'

"Cho dù là thị trường nào, chúng ta cũng phải quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, thương hiệu..." - đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân sáng 9/4, tại Hải Dương.

Bốn nhóm vấn đề cần gỡ khó

Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại với nông dân cả nước để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những vướng mắc khó khăn của người nông dân; Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.000 câu hỏi.

Ban tổ chức đã chọn lọc những câu hỏi nhiều người quan tâm nhất thành 4 nhóm vấn đề lớn: Một là, thị trường và đầu ra cho nông sản; Hai là, liên quan đến vốn và đất đai; Ba là, liên quan đến công nghệ cho nông nghiệp và quản lý vật tư nông nghiệp; Bốn là, các câu hỏi liên quan đến các vấn đề khác (như môi trường nông thôn, lao động nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách đối với miền núi - dân tộc và nông thôn mới…).

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, điều quan trọng nhất của cuộc gặp hôm nay là tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn cho nông dân. Có nhiều câu hỏi cần câu trả lời: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP 18%? nguyên nhân là do năng suất lao động thấp?...

Có nhiều vấn đề đặt ra: Thị trường, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bao gồm cả hạ tầng đời sống vật chất tinh thần của người dân, làm sao những truyền thống văn hóa tốt đẹp cần phát huy.

“Hôm nay, các thành viên Chính phủ sẽ trực tiếp sẵn sàng trả lời những câu hỏi của nông dân; đồng thời đưa ra tạo ra những thể chế, chính sách mới. Có những điều chưa thể giải quyết ngay nhưng định hướng chính sách là rất quan trọng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội nghị đối thoại diễn ra trong bối cảnh một số mặt hàng rau củ vừa lặp lại tình trạng phải giải cứu. Do đó, thị trường nông sản là vấn đề có nhiều câu hỏi được người dân mong muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Nông dân Tăng Xuân Trường, thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương nêu thự̣c trạng, những ngày này, Thủ tướng và các vị Bộ trưởng chắc cũng đã nắm được tình trạng dư thừa, ế nông sản xảy ra ở nơi này, nơi kia. Có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay thậm chí đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ. Hay gần đây, ngay tại thủ phủ sản xuất nông sản Đà Lạt, các loại củ như khoai tây, hành tây cũng đang xuống giá. Đó là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp nước ta.

Nông dân Đặng Thị Dịu, khu 7, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh lo lắng khi người nông dân liên tục rơi vào cảnh trồng rồi lại không tiêu thụ được, tìm kiếm thông tin thị trường tiêu thụ khó khăn.

“Một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản khó tiêu thụ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu khó khăn là do thiếu định hướng và thiếu thông tin thị trường. Xin hỏi Thủ tướng có chính sách gì để các cơ quan chức năng liên quan làm tốt công tác định hướng và thông tin thị trường, giúp người nông dân tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới?” - bà Đặng Thị Dịu thẳng thắn.

Chú trọng “đầu ra”

Trả lời tại phiên đối thoại về câu chuyện thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, một số nông sản bị ùn ứ là do chủ yếu tiêu thụ qua kênh không chính thống, đặc biệt là đường tiểu ngạch. Đây là kênh mà cả ta và nước bạn đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi nước bạn siết chặt, chúng ta lập tức gặp khó khăn.

“Tuy nhiên, tôi đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đó là Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất, có sức tiêu thụ mạnh nhất. Lợi thế của chúng ta là nước láng giềng, lại có những mặt hàng nông sản mà nước bạn cần. Dẫn chứng cho thấy riêng mặt hàng nông sản tăng trưởng cao nhất, đạt 61%” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu vấn đề.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới. Để xuất khẩu nông sản bền vững, ổn định, hiệu quả và tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định, Chính phủ đã và đang nỗ lực, kiên trì để mở rộng thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nông thủy sản và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bà con nông dân cần chủ động nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho dù là thị trường Mỹ, Trung Quốc, châu Âu thì chúng ta đều phải quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, thương hiệu. Tất cả các yếu tố này liên quan đến tổ chức lại sản xuất. Chỉ khi nào có năng lực cạnh tranh cả về giá cả, chất lượng, thương hiệu… đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu thì chúng ta sẽ không bị phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tôi đánh giá cao việc đại diện các bộ, ngành thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm rõ, chia sẻ và nhất trí nhiều vấn đề quan trọng, từ định hướng chiến lược đến giải pháp cụ thể về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Theo đó, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Đồng thời, có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua. 

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước.

TAGS :