Cá tra Việt lo mất thị trường xuất khẩu
Không còn "độc chiếm" như thời gian trước đây, hiện con cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nỗi lo cạnh tranh khốc liệt về thị trường xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, do lợi nhuận cao lại dễ nuôi, rất nhiều nước khu vực châu Á đang quan tâm đến việc phát triển nuôi và tìm kiếm thị trường xuất khẩu cá tra. Số liệu tính toán của Vasep, đến nay sản lượng cá tra của Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên, các nước khác cũng gia tăng sản lượng nuôi và xuất khẩu, chẳng hạn như Ấn Độ có sản lượng hơn 650.000 tấn, Banglade sh gần 500.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn... Riêng thị trường Trung Quốc, vốn là nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất, các doanh nghiệp nội địa cũng đang tích cực nuôi với sản lượng khoảng 10.000 tấn.
Không còn vị thế độc tôn, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà cung cấp cá tra mới nổi.
"Sản phẩm cá tra của Indonesia, Bangladesh đã tham gia vào thị trường xuất khẩu và dù chỉ chiếm thị phần nhỏ nhưng nếu quốc gia này tăng cường đầu tư sẽ là yếu tố cạnh tranh không hề nhỏ đối với người nuôi cá tra trong nước. Còn tại thị trường Trung Quốc rất có khả năng tương lai gần sẽ trở thành nhà cung cấp cá tra rất tiềm năng cho thế giới. Ngoài cạnh tranh về nguồn nguyên liệu, ở không ít thị trường tiêu thụ khác, con cá tra Việt Nam lại đang bị bôi xấu gây ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh", ông Trương Đình Hoè lo lắng.
Không chỉ bị cạnh tranh về thị trường với các đối thủ mới, con cá tra cũng đang gặp nhiều trở ngại tại thị trường nước ngoài từ chính các thay đổi về chính sách. Đơn cử như tại thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt, phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục từ 3,87 - 7,74 USD/kg. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng rút ngắn thời hạn đánh giá tương đương, tổ chức thanh tra thực địa. Còn tại các thị trường tiềm năng khác như châu Âu hay các nước Trung Đông, sản lượng xuất khẩu tiếp tục giảm sút hoặc tạm dừng nhập khẩu.
"Ở thị trường trọng điểm Trung Quốc, nước này đã công bố giảm thuế nhập khẩu cá tra phi lê từ 10% xuống 7%, cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7% giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cải thiện được biên lợi nhuận. Nhìn xa hơn, hiện con cá tra đang là ngành có thể được hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ- Trung. Riêng Bộ Nông nghiệp đang có nhiều biện pháp giúp hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá mạnh hơn nữa hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế", ông Hoè nói thêm
Ồ ạt nuôi cá tra mới không theo quy hoạch cùng với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nhà nhập khẩu mới sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành cá tra trong nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh các doanh nghiệp và người dân đã tăng diện tích thả nuôi cá tra so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 7/2018 toàn tỉnh Đồng Tháp thả nuôi cá tra thương phẩm hơn 1.400 ha, trong đó diện tích thả nuôi mới gần 300 ha, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2017. Còn tại tỉnh An Giang, diện tích nuôi cũng như sản lượng cá tra trong năm 2018 dự kiến sẽ tăng cao so với cùng kỳ năm 2017. Tổng sản lượng khoảng 317.000 tấn, tăng hơn 30.000 tấn so với năm 2017.
"Với tình hình thả nuôi và mở rộng diện tích như hiện nay và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt về thị trường xuất khẩu, việc sụt giảm giá như những năm trước là điều khó tránh khỏi. Ngoài việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, điều cần làm lúc này là hạn chế tình trạng nuôi tràn lan không nằm trong vùng quy hoạch, đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm con cá tra", ông Hoè cho hay.
Lê Nghĩa/Báo Tin tức