Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương: Làm gì để tránh "mọc" lại?

Bộ Công Thương đang chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi 16 Nghị định nhằm nhanh chóng hiện thực hóa việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Việc cắt giảm dự kiến sẽ đảm bảo thực chất, trao quyền tự quyết tối đa cho DN và rất khó xảy ra tình trạng “mọc” lại các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Đổi thay từng bước

Trao đổi tại buổi tọa đàm “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương, tạo điều kiện thuận lợi cho DN” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng ngày 22/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Để ra được con số 675 điều kiện cắt giảm như đã công bố cuối tháng 9, Bộ Công Thương đã làm việc rất nghiêm túc, kỹ lưỡng. Quyết định 3610a/QĐ-BCT động chạm tới khoảng 16 ngành nghề, trong đó nhiều ngành nghề được dư luận xã hội hết sức quan tâm như: Xăng dầu, khí hóa lỏng, hóa chất, rượu, logistics,… Các điều kiện đã tuyên bố cắt giảm chắc chắn được bãi bỏ một cách thực chất.

Theo Quyết định 3610a, trong lần cắt giảm này, lĩnh vực xăng dầu có sự điều chỉnh khá rõ nét về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh, NK xăng dầu. Cụ thể như, yêu cầu DN sau 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh XNK xăng dầu phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51 % đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa đã bị xóa bỏ. Nhìn nhận về việc điều chỉnh này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: Xăng dầu là đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất. Để đảm bảo nguồn cung, suốt mấy chục năm qua, hệ thống NK, phân phối xăng dầu được duy trì khá chặt chẽ. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, nếu có thể đưa thêm DN tham gia vào thị trường xăng dầu, dần tăng tính cạnh tranh thì giá thành cung ứng xăng dầu có thể được cải thiện. “Khi cắt bỏ, hợp lý hóa lại các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, Bộ Công Thương cân đối cả hai yếu tố gồm đảm bảo quản lý nhà nước và phải làm sao để thị trường ngày càng có tính cạnh tranh. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng. Mọi sự đổi thay không thể nhanh chóng mà phải từ từ, từng bước”, Thứ trưởng Khánh nói.

Ngoài xăng dầu, điện là lĩnh vực có những đổi thay lớn sau quyết định cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh vừa qua của Bộ Công Thương. Theo Thứ trưởng Khánh, suốt thời gian dài, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị độc quyền trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối điện. Tuy nhiên, gần đây đã có các thành phần kinh tế khác tham gia vào khâu sản xuất điện. EVN chủ yếu độc quyền khâu phân phối. Mục đích cắt giảm nhằm tạo điều kiện tốt, thu hút ngày càng nhiều thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào thị trường điện. Cụ thể là, Bộ Công Thương kỳ vọng thời gian tới gia tăng số DN tham gia vào các phân khúc nhất định như sản xuất, truyền tải và phân phối điện, bên cạnh EVN.

Chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm

Trên thực tế, trong câu chuyện cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương, nhiều DN bày tỏ băn khoăn, những điều kiện cắt giảm ở hiện tại, sau này có thể “mọc” lại. Về điều này, theo Thứ trưởng Khánh: Việc cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh được Bộ Công Thương khởi động, bắt tay từ tháng 7/2016 khi bắt đầu nhiệm kỳ của Chính phủ mới, trở thành tư duy xuyên suốt của bộ. Ngoài ra, việc cắt giảm của Bộ Công Thương cũng tuân thủ nghiêm ngặt 5 nguyên tắc, trong đó nguyên tắc thứ ba là, điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư 2014. Xuất phát từ các yếu tố trên, tình trạng các điều kiện “mọc” lại sau khi bị cắt giảm rất khó xảy ra.

Xung quanh vấn đề làm sao để tránh “mọc” lại các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã cắt giảm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng: Quan trọng nhất là thay đổi tư duy và phương thức quản lý, chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm. Thông thường, khi xuất hiện một hoạt động kinh doanh mới là nảy sinh nhu cầu quản lý. Với tư duy quản lý tiền kiểm, cơ quan quản lý luôn nghĩ đến điều kiện kinh doanh. Mặc dù không hề dễ dàng, song đổi thay tư duy và phương thức quản lý chính là điều kiện tiên quyết để các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã cắt giảm không còn “mọc” lại.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay: Sau khi cắt giảm 675 điều kiện, Bộ Công Thương sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm thông qua việc xây dựng hàng loạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đem lại cho DN nhiều thuận lợi nhất. Điển hình như trong trường hợp ngành thực phẩm, trước đây, để được tham gia kinh doanh, DN phải đáp ứng hàng loạt điều kiện như cơ sở có vị trí thế nào, độ sạch làm sao… Bên cạnh đó, DN phải mời đoàn kiểm tra đến kiểm tra, sau đó được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới có thể bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay các điều kiện chung chung đều đã được lược bỏ, còn lại những điều kiện khác chuyển sang hậu kiểm. Bộ sẽ đưa ra quy định tiêu chuẩn một cơ sở như thế nào thì được đầu tư, kinh doanh thực phẩm. Trong quá trình đột xuất kiểm tra, nếu cơ sở không đáp ứng điều kiện kinh doanh dưới dạng tiêu chuẩn, quy chuẩn, mức độ nhẹ sẽ được cho thời gian để khắc phục, còn nếu nặng hơn sẽ phải ngừng kinh doanh.

“Như vậy, DN bước chân vào kinh doanh mà không phải chứng minh với bất kỳ với cơ quan nào là DN đủ năng lực. DN tự chịu trách nhiệm. Tư duy chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là trao quyền tự quyết cho DN, người dân, chỉ cần cảm thấy đủ năng lực thì mạnh dạn kinh doanh. Tuy nhiên, khi thay đổi tư duy, vai trò của các địa phương rất lớn. Trước đây, địa phương luôn yên tâm bởi DN kinh doanh là đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép. Hiện nay, Bộ Công Thương không cấp giấy phép kinh doanh ban đầu nữa mà địa phương phải là nơi kiểm soát xem DN có đáp ứng được không. Đương nhiên, các bộ, ngành Trung ương sẽ đồng hành với địa phương. Trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng cần lưu ý năng lực thực thi của chính quyền các cấp”, Thứ trưởng Khánh nói.

TAGS :