Chè Thái Nguyên loay hoay 'bài toán' đầu ra
Dù được xác định là cây trồng chủ lực, cây "làm giàu" cho người dân địa phương, nhưng nhiều năm qua, cây chè và sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn loay hoay với bài toán đầu ra, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu.
Những năm gần đây, sản lượng chè XK của tỉnh Thái Nguyên có dấu hiệu sụt giảm. Nếu năm 2011, sản lượng chè XK đạt trên 6,9 nghìn tấn với kim ngạch 11,5 triệu USD thì đến năm 2016, giảm chỉ còn khoảng 3,8 nghìn tấn và kim ngạch giảm tương ứng xuống 7,2 triệu USD.
Về nguyên nhân, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho rằng, trước hết do các DN chế biến chè không chủ động vùng nguyên liệu; giá thu mua chè của các nhà máy chế biến luôn thấp hơn thị trường, các DN chế biến không có mối liên kết chặt chẽ với các nhóm nông dân, các hộ sản xuất chè búp tươi để thu mua nguyên liệu. Dù chè Thái Nguyên được XK sang nhiều nước nhưng chủ yếu là nguyên liệu thô với giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá trên thị trường thế giới, dùng để đấu trộn với các loại chè khác hoặc để chiết xuất.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ người trồng và chế biến chè ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, phát triển sản phẩm đa dạng, an toàn, chất lượng kết hợp với việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên cũng được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên". Sau đó, một loạt nhãn hiệu của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh đã được bảo hộ, như: Chỉ dẫn địa lý "Tân Cương", các nhãn hiệu tập thể: "Chè La Bằng", "Chè Trại Cài", "Chè Vô Tranh", "Chè Tức Tranh", "Chè Phổ Yên"…
Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh đã chủ động tiến hành các thủ tục để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" một số thị trường xuất khẩu trọng điểm. Sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã được các cơ quan sở hữu trí tuệ của 3 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan) cấp văn bằng bảo hộ.
Tỉnh Thái Nguyên cũng vừa thông qua Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu đến năm 2020, có 30% sản lượng chè của tỉnh được mang các nhãn hiệu bảo hộ trong nước và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu; 80% sản lượng chè xanh, chè xanh chất lượng cao tiêu thụ thị trường thế mạnh trong nước; 20% sản lượng chè xuất khẩu sang các thị trường khó tính của quốc tế.
Thành công trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ được lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kỳ vọng là bước tiến mới đưa sản phẩm nông nghiệp quan trọng này của địa phương vươn ra thị trường quốc tế.