Chuỗi sản xuất lỏng lẻo, DN khó tiếp cận vốn vay
Cho vay lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn đang được Chính phủ kêu gọi hỗ trợ triển khai. Đặc biệt, với việc hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, việc vay vốn sẽ càng nhận được nhiều thuận lợi hơn. Nhưng vấn đề này vẫn đang cần nhiều sự thay đổi từ chính sách để hiệu quả hơn.
Còn khó khăn
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 5/2017 đạt 1.148.070 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 7,06%), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Bình quân trong 7 năm (2010-2016) tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 19,35%/năm. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều gói tín dụng hấp dẫn, với lãi suất thấp cho các DN lĩnh vực nông nghiệp, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, DN sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu vay vốn theo chuỗi giá trị, dòng tiền được khép kín, khiến ngân hàng có thể cho DN vay theo hình thức tín chấp.
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã nêu rõ, các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết; các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối được xem xét cho vay tín chấp tối đa bằng 80% giá trị của dự án.
Đây được coi là cơ chế rất mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện theo chuỗi giá trị sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều DN vẫn “than thở” dù đã sản xuất theo chuỗi nhưng vẫn không được vay tín chấp. Công ty Cổ phần Sản xuất và XK quế hồi Việt Nam là một ví dụ. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty, DN này đã liên kết, ký hợp đồng sản xuất hồi, quế hữu cơ với hơn 2.000 hộ nông dân, đồng thời còn thu mua nguyên liệu từ 5 đại lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn. Sau khi thu mua, DN sẽ tiến hành sơ chế, chế biến và XK vào nhiều thị trường, tập trung nhất là EU nên 95% doanh thu từ hoạt động XK. Với hoạt động như vậy nhưng DN này vẫn bị các ngân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp khi vay vốn.
Đồng cảnh ngộ, đại diện một DN sản xuất, XNK mật ong tại Gia Lai cho hay, DN có mô hình hoạt động với 150 hộ nông dân nuôi ong, thu hoạch 7.000 tấn mật ong/năm. Để phát triển theo mô hình này, DN phải đầu tư 50% giá trị sản xuất cho người dân từ công cụ, con giống, thu gom… nên rất cần vốn. Trong khi 90% sản phẩm mật ong của DN đã XK sang Mỹ, EU, nhưng phần lớn nguồn vốn vẫn là tự lực, DN chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty Cổ phần Ong mật Hà Nội chia sẻ, đặc thù của ngành sản xuất ong mật là thu theo mùa vụ, quy trình sản xuất dài. Mặc dù DN đã được ngân hàng cho vay tín chấp một phần, thế chấp một phần, thủ tục nhanh gọn, nhưng ngân hàng đôi khi không tin tưởng DN, hết hạn mức tín chấp thì đi vay rất khó khăn. Vì thế, bà Hằng mong muốn các ngân hàng cho DN vay tín chấp với dư nợ cao hơn, thời gian dài hơn lãi suất ưu đãi hơn.
Cần thêm cơ chế
Nói về việc cho vay đối với các DN sản xuất theo chuỗi, theo ông Trần Trung Kiên, Phó Ban khách hàng DN nhỏ và vừa, Ngân hàng BIDV, BIDV luôn đẩy mạnh cơ chế tín dụng cho các DN lĩnh vực nông nghiệp, DN sản xuất theo chuỗi. Nhưng đối với DN sản xuất theo chuỗi, ngân hàng sẽ lựa chọn DN trung tâm để tiếp cận, xây dựng định hướng vay vốn, sản xuất cho sản phẩm cụ thể. Nhưng yêu cầu các ngân hàng đặt ra là DN phải đảm bảo chuỗi sản xuất chặt chẽ, đảm bảo thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; hơn nữa, DN phải tuân thủ quy định của ngân hàng, giữ chữ tín, minh bạch rõ ràng trong quản trị.
Tuy nhiên, việc thực hiện theo chuỗi giá trị sản xuất của các DN nông nghiệp đến nay vẫn rất lỏng lẻo, thiếu và yếu về mọi mặt. Mặc dù chính sách của Chính phủ đã có nhiều nhưng các DN nhận xét, các chính sách đi vào thực thi còn rất khiêm tốn, chưa hiệu quả, các DN có quy mô lớn mới được vay theo chuỗi giá trị. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho hay, nguyên nhân để việc vay vốn theo chuỗi giá trị hạn chế do việc phân chia lợi ích, chia sẻ rủi ro không bình đẳng giữa DN, các thành viên cùng các định chế tài chính tham gia trong chuỗi; chưa có hành lang pháp lý đối với cơ chế dự phòng xử lý khi rủi ro xảy ra, đặc biệt là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp; sự liên kết của các định chế tài chính, nhà đầu tư tư nhân với các ngân hàng thương mại trong việc cung ứng những dịch vụ tài chính cho các thành viên trong chuỗi giá trị còn rất lỏng lẻo…
Chính vì thế, để tăng cường việc vay vốn theo chuỗi giá trị, bên cạnh đề xuất ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, khuyến khích DN tham gia nhiều hơn vào sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết giữa người dân – DN – ngân hàng, các chuyên gia kiến nghị, cơ chế, chính sách phải tạo sự thông thoáng, bình đẳng, công khai về lợi ích; tạo “luật chơi” để các bên chịu trách nhiệm đến cùng với những cam kết của mình và cùng hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình xử lý rủi ro. Bên cạnh đó, ông Phạm Xuân Hòe còn cho rằng, những người làm chính sách phải đổi mới tư duy, giúp DN đẩy mạnh phát triển, mở rộng thị trường, nếu không, DN có thể tự chết trên chính mảnh đất kinh doanh của mình.