Chuyên gia Nga đánh giá về hiệu quả của FTA giữa Việt Nam và EAEU
Nhân tròn một năm Thỏa thuận Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực (5/10/2016-5/10/2017), phóng viên TTXVN tại Moskva đã phỏng vấn tiến sỹ kinh tế học Artem Pylin, Viện Kinh tế thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, Thư ký dự án chung Nga-Việt về “Các vấn đề triển khai và hiệu quả dự báo của Thỏa thuận về Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).
Đánh giá về hiệu quả và những vấn đề còn tồn tại của thỏa thuận, tiến sỹ Pylin nhấn mạnh thỏa thuận này rất quan trọng với Nga với tư cách là nền kinh tế đầu tàu trong EAEU. Trong khi Việt Nam đã ký khoảng 15 thỏa thuận tương tự thì đây là thỏa thuận FTA đầu tiên của EAEU. Do đó, Nga đánh giá rất cao kinh nghiệm của Việt Nam và rất mong muốn thỏa thuận trên được đánh giá đúng đắn.
Một trong những mục tiêu của thỏa thuận, cụ thể là mục tiêu của quy định miễn giảm thuế, là tăng được xuất khẩu. Trong một năm qua, theo thống kê chính thức của Ủy ban Liên minh kinh tế Á-Âu, từ tháng 1 đến tháng 7/2017, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EAEU đã tăng mạnh, gần 30%. Trong khi đó, xuất khẩu từ EAEU dù tăng nhưng chỉ khoảng 11%, tức là bằng 1/3 xuất khẩu của Việt Nam vào EAEU.
Như vậy, về hiệu quả ngắn hạn, có thể nói Việt Nam đang đạt hiệu quả cao hơn EAEU. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là dòng hàng xuất khẩu của Việt Nam tương đối đa dạng, chủ yếu là hàng tiêu dùng, được người dân sử dụng rộng rãi như điện thoại di động, máy tính, hàng kỹ thuật văn phòng và đặc biệt là hàng thực phẩm: chè, lạc, tôm, hàng may mặc. Tất cả các nhóm này đều tăng trưởng ngay từ những ngày đầu thỏa thuận có hiệu lực.
Về phần EAEU, sở dĩ tăng trưởng xuất khẩu chưa cao bằng vì hàng xuất khẩu từ EAEU chủ yếu là hàng phục vụ nhu cầu đầu tư như dầu, sản phầm dầu, phân bón, kim loại, thiết bị ôtô. Những dòng hàng này khó tăng xuất khẩu hơn vì cần có những hợp đồng lớn, những thỏa thuận vận chuyển đặc thù và khách hàng là những tập đoàn, tổng công ty lớn.
Theo tiến sỹ Pylin, chênh lệch trong tăng trưởng giữa xuất khẩu từ Việt Nam sang EAEU và từ EAEU sang Việt Nam là một tồn tại mà Nga đã dự báo trước.
Ngoài nguyên nhân nêu trên, một nguyên nhân khác là sự suy giảm trong chính nền kinh tế Nga. Trong khi Việt Nam đạt tăng trưởng tới gần 7% thì Nga mới đang phấn đấu đạt 2%. Suy giảm trong xuất khẩu của Nga sang Việt Nam năm 2016 lên tới gần 25%. Xuất khẩu của Nga tiếp tục giảm gần 4% trong đầu năm 2017.
Tồn tại thứ hai mà Nga ghi nhận là vấn đề hàng qua lại biên giới, trong đó giá dịch vụ vận chuyển, cung ứng tăng, và vấn đề tỷ giá đồng ruble. Tất cả những tồn tại đó đều nằm trong dự báo và Nga vẫn đang nghiên cứu tìm cách giải quyết.
Dự báo về những thay đổi trong chính sách thương mại tới đây của Nga, tiến sỹ Pylin cho rằng những thay đổi nếu có sẽ phụ thuộc vào các rủi ro. Một trong những rủi ro đầu tiên là Nga đã không tận dụng được Thỏa thuận để tăng xuất khẩu của mình sang Việt Nam. Rủi ro thứ hai là khả năng Việt Nam sẽ giảm mạnh thuế cho hàng hóa từ EU khi FTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực. Nga phải suy nghĩ để tính toán khả năng đó trong chính sách thương mại của mình.
Theo tiến sỹ, cạnh tranh tại thị trường Việt Nam sẽ tăng, còn cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam của hàng hóa Nga và EAEU khó có thể tăng. Và như vậy muốn vững chân tại Việt Nam, Nga cần phải có thay đổi trong chính sách.
Riêng đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang muốn vào thị trường EAEU, tiến sỹ Pylin nhận định với tốc độ tăng trưởng 7%, Việt Nam cần thị trường tiêu thụ cho hàng hóa của mình và thị trường 183 triệu dân của EAEU rất hấp dẫn. Song ông lưu ý một điều rằng các doanh nghiệp nên tập hợp lại thành lập liên doanh, tạo thành chuỗi giá trị gia tăng, cùng với những thương hiệu mạnh. Điều đó sẽ giúp tăng khả năng thâm nhập thị trường