CPI giảm tốc: “Hoàn toàn bình thường”
“Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 2,21% không ra ngoài những cái chúng ta đã lường trước. Tôi có thể khẳng định diễn biến này là hoàn toàn bình thường, cả về mặt con số theo tháng, kể cả diễn biến theo năm”.
Chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh đã khẳng định như vậy khi được hỏi liệu có nên lạc quan với diễn biến mới của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), phá vỡ xu hướng tăng liên tục trước đó.
Trao đổi với báo giới, ông Ánh cho hay:
- Nếu quan sát lạm phát qua các tháng, biến động như thế là hoàn toàn bình thường, chênh nhau 1% chưa thể hiện vấn đề gì. Bởi vì, những năm trước các tháng chênh nhau từ 2% lên 3%, thậm chí 3% xuống 1%... Tức là hoàn toàn bình thường nếu nhìn vào con số thay đổi.
Cái quan trọng bây giờ là xác định chính xác nguyên nhân đem lại những thay đổi đó, cái gì là nguyên nhân khách quan, cái gì do chủ quan của mình để mà điều chỉnh, phục vụ cho mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát cả năm.
Nhưng cũng có thể hiểu lạc quan tức là các giải pháp kiềm chế đã vào, hoặc ngược lại là chưa có tác dụng?
Trong tâm của câu chuyện bây giờ không phải là bình luận đỉnh hay đáy, lạc quan hay không lạc quan mà câu chuyện bây giờ gốc của nó là phải giải thích được tại sao chỉ số giá tăng như thế. Nếu giải thích chính xác được nguyên nhân thì có thể dự báo tiếp theo chính xác.
Cái quan trọng nữa là tìm được nguyên nhân để điều chỉnh chính sách của mình hợp lý. Nếu chỉ số giá tháng 5 như thế mà khẳng định được là do chính sách chẳng hạn thì những tháng tiếp theo khả năng tác động chính sách sẽ tốt hơn nữa.
Ví dụ tháng tới hạ xuống còn tăng 1% thì như vậy, một là chính sách đúng hướng, hai là liều lượng chính sách tốt rồi, ba là có thể cho rằng tầm khoảng 5 tháng nữa có thể tính chuyện đảo chiều chính sách theo hướng bớt thắt chặt.
Nhưng liệu quan trọng là cái này có phải kết quả thực thi chính sách hay không? Hay còn là do những tác động nào? Thế thì phải nêu ra được, các cơ quan chức năng phải giải quyết được việc này.
Nói về hiệu quả chính sách kiền chế lạm phát, gần đây lại có e ngại động thái mua vào 1 tỷ USD của Ngân hàng Nhà nước, đẩy một lượng lớn tiền đồng vào hệ thống ngân hàng thương mại, thưa ông?
Việc Ngân hàng Nhà nước mua vào 1 tỷ USD, kết quả là của câu chuyện trước đó ngân hàng thương mại đã mua USD vào và găm giữ trong hệ thống của họ. Sau đó thì Ngân hàng Nhà nước mới tăng mua USD.
Thế thì dòng tiền đó, bản thân vừa rồi huy động ngoại tệ vẫn tăng cao hơn tiền đồng và cho vay ngoại tệ thì không thấy thông báo. Nên giả định câu chuyện mua vào 1 tỷ USD là đúng thì chỉ là thay đổi kết cấu tài sản của ngân hàng thương mại.
Xét ở một góc độ nào đó nó sẽ ảnh hưởng đến lạm phát vì tổng phương tiện thanh toán chuyển một phần từ USD sang đồng, khả năng cung đồng tăng làm tiền đồng mất giá hơn so với USD.
Về nguyên tắc, muốn xem tiền ra ròng hay không ròng thì phải xem kết cấu M2, gồm tiền gửi hệ thống ngân hàng và tiền mặt ngoài hệ thống. Đó là điểm sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.
Rõ nhất là bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước, vừa rồi thông báo bơm ra trên 200 nghìn tỷ đồng nhưng lại hút về trên 164 nghìn tỷ đồng. Tức là bơm ròng có hơn 40 nghìn tỷ đồng.
Nếu gắn với diễn biến nhập siêu mấy tháng gần đây rất cao thì cũng là một sức ép khác làm mất giá tiền đồng, thưa ông?
Về nguyên tắc đúng là như thế. Khi nhập siêu thì thị trường ngoại tệ sẽ chịu áp lực giảm cung, làm ngoại tệ đó lên giá so với tiền đồng. Tức là việc mua 1 tỷ USD có thể có hai sức ép làm mất giá tiền đồng.
Chuyện mua ngoại tệ vào, thứ nhất là tạo thanh khoản tiền đồng cho hệ thống ngân hàng thông qua thay đổi kết cấu tài sản của hệ thống. Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thiếu thanh khoản tiền đồng, thông qua thị trường mở bán USD cho ngân hàng nhà nước.
Tức là có thể hiểu động thái vừa rồi giúp tăng thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhưng ngược lại đã tạo sức ép lên lạm phát?
Chính xác. Thường là khi tổng phương tiện thanh khoản trong nền kinh tế không thay đổi nhưng tăng lượng tiền đồng thì có khả năng làm tiền đồng mất giá. Hai là động thái này tác động lên tỷ giá hối đoái, mua vào USD cũng hạ giá tiền đồng.
Một điểm nữa lâu nay hay nói là lạm phát chịu tác động chính từ chi phí đẩy. Thế nhưng gần đây hàng loạt mặt hàng được chuyển sang cơ chế giá thị trường, không còn “võ” để kiểm soát lạm phát nữa. Ông nghĩ sao?
Chủ yếu quan điểm là để nâng giá chứ không phải thị trường. Giả định như là bảo giá không hợp lý và muốn điều chỉnh thì chịu. Còn hợp lý hay không lại đi vào câu chuyện khác.
Vậy tức là nhìn về phía trước, lạm phát chưa có tương lai sáng sủa?
Sáng hay không? Thế nào là sáng? Câu chuyện của nó phải tách bạch ra. Thứ nhất, tại sao có lạm phát phải trả lời rõ. Lạm phát của chúng ta nằm trong cách thức tăng trưởng của Việt Nam, đầu tư quá lớn.
Cho đến chừng nào chưa khắc phục được quy mô đầu tư lớn mà hiệu quả kinh tế không đi kèm, đầu tư trên 40% GDP mà tăng trưởng lẹt xẹt 5-6% thì phải trả giá, kiểu gì cũng lạm phát. Đó mới là gốc của vấn đề. Xử lý được thì mới dứt điểm được lạm phát.
Đó là vấn đề dài hạn, nhưng trong ngắn hạn lạm phát còn chịu tác động từ những cú sốc trên thế giới như giá xăng dầu chẳng hạn, hay chuyện sức ép của các tập đoàn kinh tế có ngành nghề tương đối độc quyền và họ muốn đẩy giá lên để điều chỉnh kết cấu lãi trong sản xuất.
Kết hợp cả những vấn đề trung dài hạn với những cú sốc ngắn hạn như thế mới đẩy lạm phát của mình tăng vọt như vừa qua.
Một lo ngại khác hiện nay là ngân hàng đang chịu sức ép về lãi suất tín dụng. Câu chuyện lãi suất là tăng để hạn chế tín dụng, nhưng tăng lãi suất mà tín dụng không hạ thì lạm phát chịu tác động kép do tiền nhiều và tiền đắt giá. Như vậy, lạm phát của Việt Nam còn một câu chuyện là tiền đồng đắt.
Tiền đồng đắt nhưng vẫn vay, tín dụng vẫn tăng. Sản xuất với lãi suất như thế này thì chết, nhưng đánh quả thì vẫn ngon. Mà mục tiêu của mình là cho vay sản xuất, nên ở chỗ ấy còn mắc. Công cụ của ngân hàng nhà nước, tăng lãi suất để hạ tín dụng mà không được thì chắc là phải tìm công cụ khác.
Thế còn để giải quyết vấn đề lạm phát Việt Nam, để cho CPI chỉ tương tự các nước, tăng 5% đã là cao thì phải xử lý gốc của vấn đề. Còn một bài toán nữa cũng phải xử lý được, là tạo đệm giảm những cú sốc từ bên ngoài, vì càng ngày các cú sốc bên ngoài càng tác động đến Việt Nam mà cho đến nay ta chưa thiết kế được một cái đệm vững chắc.
Nếu nhìn nhận xu hướng giá cả và các nguyên nhân tác động như vậy, theo ông kịch bản CPI năm nay thế nào?
So với cùng kỳ, CPI sẽ còn phải vượt qua 20%, nếu tháng 9 tăng thấp hơn mức 1,31% thì chỉ tiêu này với đi xuống. Bây giờ, chỉ tiêu này đã xấp xỉ 20% rồi thì trong vòng 3 tháng tới sẽ phải lên đến 22-23%, cao thì 25%. Thế thì nó giống như năm 2008, đến cuối năm sẽ khoảng 20%.