CPI năm 2017 sẽ đạt mục tiêu dưới 4%
Theo các chuyên gia, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2017 đã được kiểm soát tương đối tốt bởi đến thời điểm này vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép (tăng dưới 4%).
Cụ thể, báo cáo theo dõi lạm phát được SSI Retail Research công bố mới đây chỉ rõ, CPI thực phẩm, giao thông và nhà ở với yếu tố giá điện tăng 6,08% từ 1/12 sẽ kéo CPI tháng 12 tăng CPI năm 2017 nhiều khả năng sẽ nằm trong giới hạn mà Quốc hội cho phép là tăng dưới 4% so với năm 2016, chỉ rơi vào khoảng hơn 3%.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng đồng tình với báo cáo này của SSI Retail Research. Bởi theo quy luật hàng năm, CPI thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm nhưng năm nay, CPI những tháng cuối năm vẫn ở mức khá thấp. Bình quân CPI 11 tháng chỉ đạt 3,61%, nghĩa là dư địa đến con số mục tiêu 4% vẫn còn tương đối lớn. Trong tháng 12, yếu tố tác động đáng chú ý nhất là việc tăng giá điện song mức tác động được đánh giá là không lớn ngay trong năm nay mà sẽ ảnh hưởng đến tháng đầu năm sau. Do đó, CPI năm nay chắc chắn hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Tuy nhiên, để có được kết quả này không hề dễ dàng. Bởi liên tục trong 6 tháng đầu năm, CPI luôn tăng cao hơn con số Quốc hội cho phép. Trong đó, riêng CPI tháng 1 đã tăng 5,22%, là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Đến nửa đầu năm, CPI bình quân vẫn tăng đến 4,15% và cao hơn mức Quốc hội cho phép (tăng không quá 4% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, nhờ các biện pháp kiềm chế giá các mặt hàng thiết yếu, CPI liên tục giảm từ quý I đến cuối năm. Theo ông Nguyễn Đức Thắng – Hiệp hội Thống kê, mức CPI năm nay đạt mục tiêu Quốc hội cho phép là do các giải pháp điều hành linh hoạt đã được đặt ra từ đầu năm.
Đơn cử, sau một năm kiềm chế tối đa để tránh ảnh hưởng đến CPI những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017, giá dịch vụ y tế mới bắt đầu được điều chỉnh đối với nhóm không có bảo hiểm y tế và điều chỉnh rải rác trong cả năm chứ không dồn vào một thời điểm. Khi giá xăng dầu bắt đầu tăng từ tháng 7, quỹ bình ổn xăng dầu bắt đầu được sử dụng, giảm gánh nặng lên mức tăng giá cho sản phẩm này. Đặc biệt, việc điều chỉnh giá điện đã được tính đến nhưng đã nhiều lần kiềm chế để không ảnh hưởng đến mức tăng chỉ số CPI.
Tại thời điểm tháng 10, ông Nguyễn Duy Thiện - Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) phân tích, các kịch bản tăng giá điện đã được tính đến và nếu được điều chỉnh tăng với mức độ cao nhất ngay trong năm 2017 cũng sẽ không ảnh hưởng đến CPI. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ việc giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thiết yếu theo tâm lý “té nước theo mưa”, gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thiết yếu khác vào cuối năm.
Do đó, thực tế, giá điện chỉ được điều chỉnh tăng 6,08% vào đầu tháng 12/2017. Đây được đánh giá là thời điểm thích hợp bởi nhiều mặt hàng khác khó có khả năng tăng giá. Đơn cử, giá xăng dầu có thể vẫn được giữ ổn định nhờ việc trích quỹ bình ổn. Nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào khiến giá các mặt hàng này không tăng đột biến. Tháng 12 năm nay cũng khá xa Tết Âm lịch nên nhu cầu hàng hóa chưa tăng cao ngay lập tức, chưa tạo áp lực lên việc tăng giá nói chung… Tính cả mức tăng của giá điện, dự kiến, CPI cả năm nay vẫn sẽ đạt mục tiêu Quốc hội giao.
Năm 2018, Quốc hội đặt ra mục tiêu mức tăng CPI cho cả năm tương đương với năm 2017, tức là chỉ tăng không quá 4% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, để đạt được con số này, điều quan trọng nhất là cần phải chú ý hiện tượng “tát nước theo mưa”, tăng giá điện dẫn đến tăng giá các mặt hàng khác. Đặc biệt, xem xét kỹ các khoản chi phí cả chính thức và phi chính thức gây khó cho nỗ lực giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm giá bán hàng hóa của doanh nghiệp.