Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Đánh thức giá trị của chỉ dẫn địa lý

Việc xây dựng, khai thác và quản lý càng nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) càng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hàng nông sản, đặc biệt đối với Việt Nam, một trong các nước hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu nông sản.

Nâng cao giá trị sản phẩm

CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa. Nói cách khác, phát triển CDĐL cho phép tạo ra lợi thế của sản phẩm nhờ những đặc trưng và sự nổi tiếng của sản phẩm đó mà các sản phẩm cùng loại khác nằm ngoài khu vực địa lý này không có được. 

Bà Hà Nguyệt Thu – Chuyên viên chính Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo của Cục Sở hữu Trí tuệ - cho biết, các sản phẩm mang CDĐL có giá bán tăng lên nhiều so với trước khi được cấp văn bằng bảo hộ. Ví dụ như sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình) từ chỗ giá chỉ 5.000-7.000 đồng/kg vẫn khó bán, nhưng từ khi được cấp CDĐL "Cao Phong" giá bán tại vườn đã tăng lên tới 25.000 - 40.000 đồng/kg, thậm chí có khi lên đến 60.000 đồng/kg. Cũng từ sau khi có CDĐL sản phẩm Mật Ong Mèo Vạc (Hà Giang) có giá bán 400-500 nghìn đồng/lít (tăng lên gấp 2,5 lần); bưởi Tân Triều (Đồng Nai) tăng từ 20-40%. Hay như nước mắm Phú Quốc, mức tiêu thụ tăng với sản lượng trung bình đạt từ 20 - 30 triệu lít và xuất khẩu 1,2 triệu lít mỗi năm, trong khi trước đây chỉ sản xuất từ 5 - 6,5 triệu lít nước mắm/ năm…

Cần nhân rộng bảo hộ CDĐL

Được nhận định là một nước có truyền thống sản xuất và canh tác nông nghiệp, cộng thêm các yếu tố đặc trưng về mặt tự nhiên và con người, Việt Nam có nhiều sản phẩm chất lượng, danh tiếng, tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn… Theo thống kê, hiện nay có khoảng hơn 900 sản phẩm gắn với 700 địa danh khác nhau trên toàn quốc. 

Tuy nhiên, theo Cục Sở hữu Trí tuệ, cho đến nay mới có 60 CDĐL được bảo hộ tại Việt Nam. Trong đó, tính riêng năm 2017 có 6 CDĐL được bảo hộ gồm nhãn lồng Hưng Yên, hồng không hạt Quản Bạ, gạo tẻ Già Dui Xín Mần (Hà Giang), cà phê Sơn La, thịt cừu Ninh Thuận, gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương (Lào Cai). Điều đó đồng nghĩa với việc, có tới 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu vô danh hoặc dưới nhãn hiệu của nước ngoài. Điều đó cho thấy, việc khai thác thị trường thông qua CDĐL trong nước và nước ngoài ở Việt Nam còn hạn chế.

Các chuyên gia cho rằng, đăng ký CDĐL là việc cần thiết trong quá trình xây dựng thương hiệu nông sản, là yêu cầu bắt buộc khi đưa sản phẩm nông nghiệp vào các chuỗi phân phối hiện đại hiện nay. Sản phẩm có CDĐL sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận những thị trường khó tính, nhất là thị trường EU. Do đó, cần nâng cao truyền thông cho người dân và cả cấp quản lý để xã hội hiểu hơn về vai trò, tác dụng của việc đăng ký CDĐL cũng như việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Đồng thời, các ngành nên sớm xúc tiến việc đăng ký bảo hộ CDĐL ra nước ngoài cho những nông sản đã đăng ký bảo hộ trong nước.

 

TAGS :