Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Đầu tư vào Nhật Bản có tỷ suất lợi nhuận cao

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 49 dự án đầu tư tại Nhật Bản với tổng vốn đăng ký 7,5 triệu USD, trong đó có 14 dự án IT khá thành công

 

Thông tin trên được ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại hội thảo Đầu tư tại Nhật Bản do Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại TP.HCM ngày 19/12.

Ông Chung cho biết, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 1.258 dự án tại 72 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 21,4 tỷ USD. Mặc dù số lượng các dự án đầu tư tại Nhật Bản chưa nhiều, số vốn chưa lớn, nhưng các dự án đầu tư đều đạt hiệu quả cao. Điển hình như công ty của FPT tại Nhật hiện đã thu hút hàng ngàn kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin làm việc. 

Ông Chung đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong việc đầu tư kinh doanh tại Nhật. 

“Trước đây Việt Nam có quan niệm là chỉ đầu tư vào những nước có trình độ ngang bằng mình và chỉ đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy Việt Nam hoàn toàn khả năng đầu tư vào những nước có trình độ phát triển cao như Nhật Bản” – ông Chung nói. Đặc biệt, có những lĩnh vực Việt Nam không ưu tiên thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, nhưng hiện lại đang là thế mạnh của Việt Nam như IT, hàng không…

Luật Đầu tư 2014 đã quy định nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo ông Chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã trình Thủ tướng Đề án thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài đến năm 2025. Trong đó bổ sung nhiều phương hướng, định hướng cũng như các ngành, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư nhằm tận dụng tốt nhất hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài.

Công ty An Phước là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu đã đầu tư thành công tại Nhật Bản. Theo đó, năm 2014, công ty đã thành lập pháp nhân Nhật Bản tại Oska nhằm đẩy mạnh mô hình kinh doanh OEM, khai thác thị trường mới như Mỹ và cung cấp nguyên liệu cao cấp. Đến năm 2017, công ty đã thành lập nhà máy sản xuất tại tỉnh Aomori, hướng đến cung cấp sản phẩm Made in Japan.

Tương tự, tháng 8 vừa qua, một công ty trong lĩnh vực IT là CMC Corporation cũng đã hoàn thành các thủ tục mở công ty tại Yokohama và chính thức ra mắt công ty.

Phát biểu tại hội thảo, ông Maeda Shigeki, Phó chủ tịch JETRO, cho biết, trong giai đoạn 2003-2016, JETRO đã hỗ trợ cho gần 16.000 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Nhật. Trong đó, có khoảng 1.600 doanh nghiệp thành công. Với GDP đứng thứ 3 trên thế giới, Nhật Bản được đánh giá là cánh cổng đến với thị trường thế giới rộng lớn nhờ mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do FTA chiếm 85,5% lượng thương mại và 86,3% GDP của thế giới.

Cũng theo ông Maeda Shigeki, Nhật Bản có môi trường kinh doanh thân thiện, thể hiện qua số lượng các vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản là thấp nhất so với Mỹ và Trung Quốc. Về tỷ suất lợi tức của doanh nghiệp FDI vào Nhật Bản cũng ở mức cao. Theo số liệu của OECD, Nhật Bản xếp thứ 3 về tỷ suất lợi tức tổng thể và thứ nhất trong lĩnh vực dịch vụ trong số 22 quốc gia hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Năm 2016, trên 24 triệu người đã tới Nhật Bản du lịch, trong đó số lượng khách du lịch Việt Nam tăng rất mạnh. Bình quân, mỗi khách nước ngoài chi tiêu từ khoảng 45.000 – 260.000 yên tới Nhật Bản. Theo ông Maeda Shigeki, sự phát triển của du lịch mang tới cơ hội cho nhiều ngành phụ trợ liên quan như hàng không, logistic, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, bán lẻ, đại lý du lịch… và các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực này.

TAGS :