Đầu tư xây dựng: “Mê hồn trận” thủ tục
Hoạt động đầu tư xây dựng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, đóng góp tới 11% giá trị GDP của cả nước. Vì thế, nếu giải phóng được những thủ tục cản trở, rườm rà trong hoạt động này, không chỉ các DN được thuận lợi hơn trong kinh doanh mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung.
Thủ tục phức tạp
Một đánh giá chung được các DN nhìn nhận là thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng của Việt Nam còn quá phức tạp, rườm rà. Thậm chí, có những nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam còn cho rằng như lạc vào “mê hồn trận” khi liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, có tới hàng chục luật chi phối. Ví dụ như Bộ Xây dựng với 4 luật về quy hoạch, xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản; Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các luật về đấu thầu, đầu tư, đầu tư công; Bộ Tài nguyên và Môi trường với luật về đất đai, bảo vệ môi trường; Bộ Công an với luật về phòng cháy chữa cháy… Hơn nữa, các luật này còn có sự khác biệt nên việc vận hành và vận dụng khá khó khăn cho cả DN lẫn cơ quan hành pháp.
Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng cho biết, để thẩm định một dự án đầu tư xây dựng, DN phải làm việc với Bộ Xây dựng, nếu liên quan đến đất đai thì phải làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường; liên quan phòng cháy chữa cháy làm việc với Bộ Công an; liên quan chiều cao tĩnh không phải qua Bộ Quốc phòng... Hoặc khi DN làm một dự án cấp thành phố, để xin giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thì phải qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng sở này lại phải gửi văn bản hỏi ý kiến một loạt các sở như: Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài chính, Cục thuế và quận, phường, tổ dân phố (nơi có dự án). Với 6-8 “cửa” như vậy, ông Hiệp cho rằng quy định 15 ngày giải quyết xong hồ sơ là hoàn toàn bất khả thi, nên tại các thành phố lớn việc làm thủ tục đầu tư có thể mất tới 2-3 năm.
Bên cạnh đó, nhiều DN có ý kiến về việc cấp giấy phép xây dựng còn gây khó cho DN. Theo đó, Thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn cấp giấy phép quy định: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho dự án, bắt buộc chủ đầu tư phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Các DN cho rằng, đối với các dự án lớn (trên 20ha), chủ đầu tư rất muốn đạt được mọi thỏa thuận đất với người dân, nhưng chỉ cần có từ 5-7% đất chưa thể thỏa thuận được thì chủ đầu tư cũng không thể được cấp phép nên sẽ gây trở ngại lớn. Vì thế, các DN kiến nghị Bộ Xây dựng nên xem xét lại quy định này, có thể quy định chủ đầu tư chỉ cần sở hữu 80% diện tích đất theo quy hoạch là có thể được cấp phép.
Thay đổi phương thức thẩm định
Cùng với nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục còn “hành” DN, các DN rất chú trọng đến công tác thẩm định dự án bởi vẫn còn nhiều thủ tục chưa rõ ràng, gây chậm trễ cho DN.
Theo bà Hoàng Bích Loan, Phó Trưởng ban Xây dựng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, quy định về nội dung thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước chưa chi tiết, chưa đầy đủ để đảm bảo kết quả thẩm định là căn cứ để người quyết định đầu tư xác định kỹ thuật/ khối lượng, chi phí cho dự án. Hơn nữa, hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu và chưa rõ đối với một số nội dung về thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), dự toán đối với các dự án phải mua bản quyền công nghệ và triển khai thiết kế FEED, hợp đồng EPC…
Theo ông Phạm Xuân Lâm, Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý dự án Vinacomin, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), theo thống kê năm 2015-2016, số lượng dự án từ nhóm B trở xuống của TKV và các đơn vị thành viên có thể tới hơn 400 dự án. Vì vậy, việc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trình bộ hoặc sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định thiết kế có thể dẫn tới quá tải, khiến thời gian thẩm định kéo dài gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các DN. Vì thế, ông Lâm kiến nghị phân cấp cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được thẩm định thiết kế đối với dự án nhóm B, nhóm C mà các DN này làm chủ đầu tư; phân cấp cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đối với các dự án nhóm A.
Có thể thấy, đây là vướng mắc khá lớn của các DN bởi hiện lượng dự án ngày một nhiều, nên sự chậm trễ trong công tác thẩm định sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, cơ hội và giải ngân vốn đầu tư. Ông Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Luật Xây dựng 2015 cần phân cấp theo hướng: Cơ quan chuyên môn của nhà nước chỉ cần thẩm định thiết kế cơ sở, trong đó đặc biệt coi trọng các điều kiện đảm bảo lợi ích của cộng đồng. Các nội dung khác nên phân cấp cho cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư thẩm định nhằm nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong việc xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.
Hiện Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 94 và giữ nguyên 32 trong tổng số 215 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; nhưng công tác này vẫn cần được hoàn thiện hơn nữa khi còn nhiều ý kiến “kêu khó, kêu khổ” từ DN. Do vậy, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN là điều cần thiết để đưa ra những quy định phù hợp với thực tế hoạt động của DN.