Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Để doanh nghiệp xã hội phát triển

Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định DN xã hội là DN được đăng ký thành lập theo quy định pháp luật; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng DN xã hội vẫn rất khiêm tốn do thiếu nhiều cơ chế chính sách.

Số lượng ít ỏi

Theo kết quả nghiên cứu Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu (GEM), số DN hoạt động theo mô hình DN xã hội hiện nay chiếm 1,1% tổng số DN. Trong đó, số DN đang trong giai đoạn khởi nghiệp (dưới 3 năm hoạt động) có tỷ lệ là 0,7% và số DN đang trong giai đoạn phát triển ổn định là 0,5%. Mặc dù quy định về DN xã hội đã có tại Luật DN sửa đổi năm 2014, cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhưng con số hoạt động của DN xã hội thực tế vẫn hạn chế. Do đó, không ít DN đã lên tiếng mong muốn một chính sách hỗ trợ đặc thù hơn.

DN xã hội và DN thương mại khác nhau ở mục tiêu kinh doanh và sử dụng lao động, tuy nhiên, sự khác biệt này cũng có tính tương đối bởi người làm DN đều mong muốn có được lợi nhuận. Chính vì thế, đại diện một DN xã hội cho rằng, dù DN mang đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật nhưng sản phẩm sẽ được kinh doanh tại nhiều cửa hàng trong nước và XK, mang lại lợi nhuận cho DN. DN có lợi nhuận sẽ tiếp tục tái đầu tư, trả lương thưởng cho nhân công, đóng góp cho xã hội. Vì thế, vị này cho rằng, bên cạnh mục đích nhân văn, DN xã hội cũng có thể làm giàu không kém các DN thương mại khi các sản phẩm, dịch vụ của các DN xã hội được biết đến, được nhiều người sử dụng và vấn đề xã hội mà các DN xã hội hướng tới được giải quyết tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những mục đích tốt đẹp mà DN xã hội mang lại, có ý kiến đặt ra lo ngại về tình trạng DN “đội lốt” DN xã hội để trục lợi, kêu gọi tài trợ, được hưởng các điều kiện cắt giảm thuế phí… thậm chí thông qua các hoạt động như DN xã hội để chuyển giá, trốn thuế… Chính vì thế, theo ông Võ Văn Đại, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu, vẫn còn tình trạng cán bộ quản lý không hiểu về khái niệm DN xã hội nên chưa tạo thuận lợi cho đăng ký DN và quản lý hoạt động của DN. Do đó, hoạt động của các DN xã hội vẫn chưa có nhiều kết quả nổi bật, nhiều người còn nhầm lẫn giữa DN xã hội và DN thương mại tham gia các hoạt động xã hội.

Vẫn khó xác định các ưu đãi

Để DN xã hội có sự phát triển đúng đắn, bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến hỗ trợ cộng đồng CSIP cho rằng, cần có nhiều giải pháp chiến lược để hỗ trợ DN xã hội phát triển phù hợp với môi trường kinh doanh của Việt Nam bởi khu vực pháp lý cho DN xã hội đã có. Theo đó, DN xã hội cần nâng cao năng lực quản trị, bởi các DN đa phần năng lực kinh doanh còn yếu. Hơn nữa, DN xã hội cũng là các DN thông thường nên cũng cần thị trường để kinh doanh, buôn bán; do đó các cơ quan quản lý cần có giải pháp khai thông thị trường, tạo nguồn vốn để nuôi dưỡng, biến ý tưởng kinh doanh của DN thành hiện thực.

Cùng với đó, bà Đỗ Thị Quỳnh, Giám đốc DN xã hội phát triển giáo dục vì cộng đồng Cao nguyên Hà Giang cho rằng, cần có giải pháp để nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý và cộng đồng về DN xã hội, thậm chí là cần nâng cao kiến thức về DN xã hội cho chính các DN xã hội đang hoạt động, nhằm tránh những hiểu lầm về hoạt động của DN xã hội cũng như phát hiện kịp thời những trường hợp trục lợi danh nghĩa DN xã hội.

Mặt khác, các quy định về DN xã hội cần cụ thể hơn, tránh tình trạng chung chung, tiêu biểu như quy định dùng 51% lợi nhuận để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký thì đâu là cơ sở để xác định con số này và cách thức đầu tư như thế nào… Đặc biệt, chính sách ưu đãi cho các DN này chưa hoàn thiện. Theo ông Võ Văn Đại, DN sản xuất thông qua thủy hải sản thu hoạch từ bà con nông dân nên không chỉ cần chính sách hỗ trợ về vốn mà còn cần miễn giảm thuế cho DN và người lao động. Mặc dù yêu cầu này của DN từ lâu nhưng vẫn chưa được xem xét bởi các cơ quan quản lý vẫn khó xác định cơ chế ưu đãi như thế nào hợp lý…

Có thể nói, DN xã hội với mục đích hoạt động của mình sẽ mang lại đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Nhưng để các DN này phát huy đúng, tránh những biến tướng hay tiêu cực, cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Với số lượng còn quá ít ỏi DN xã hội hoạt động, các quy định pháp lý vẫn chưa được chú trọng nên các DN xã hội vẫn đang phải “tự lực cánh sinh”, tự tìm chiến lược tốt nhất để phát triển theo đúng tôn chỉ mục đích đặt ra.

TAGS :