Điều tra, xử lý 182 vụ khiếu nại về cạnh tranh không lành mạnh
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2004, TS. Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay các hành vi chịu sự điều chỉnh của Luật Canh tranh 2004 bao gồm: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.
Về các hoạt động điều tra tiền tố tụng, trong thơì gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành hoạt động này với nhiều ngành, lĩnh vực có tính chất quan trọng, nhạy cảm trong nền kinh tế nhằm tăng cường khả năng phát hiện dấu hiệu vi phạm phát luật cạnh tranh.
Ông Trịnh Anh Tuấn cũng cho biết, tính đến 2016, số vụ việc điều tra liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh chính thức là 8 vụ, số vụ được Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý là 6 vụ , số DN bị điều tra là 70 DN. Kết quả đã thu về ngân sách Nhà nước số tiền phạt và phí xử lý là 5,5 tỷ đồng.
Về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ông Tuấn cho biết thêm, tính đến hết năm 2016 đã có hơn 330 hồ sơ khiếu nại, trong đó có 182 vụ đã được điều tra, xử lý.
“Mặc dù số vụ việc hạn chế cạnh tranh được điều tra và xử lý còn khiêm tốn nhưng xét trong bối cảnh các cơ quan cạnh tranh Việt Nam còn non trẻ với nguồn lực hạn chế và Luật Cạnh tranh được đưa vào thực thi chưa lâu để có thể đi sâu vào đời sống xã hội thì kết quả thi hành nêu trên chính là sự khởi đầu cho thấy Luật Cạnh tranh đã chính thức đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng”, ông Trịnh Anh Tuấn nói.
Cũng tại Diễn đàn, vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh điển hình qua hình thức lạm dụng vị trí thống lĩnh độc quyền được ông Tuấn dẫn chứng là vụ việc liên quan đến Công ty VINAPCO, đây là vụ hạn chế cạnh tranh đầu tiên được điều tra và xử lý. Theo ông Tuấn, VINAPCO là công ty con của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airline), là nhà độc quyền cung cấp xăng dầu hàng không. DN đã từ chối cung cấp nhiên liệu cho Jet Star Pacific (hãng hàng không nội địa lớn thứ 2 sau Vietnam Airline) vào tháng 4/2008.
Hệ quả là một số chuyến bay của hãng này bị ngưng trệ. Sau một cuộc điều tra do Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành, VINAPCO đã bị phạt 3 tỷ đồng và được yêu cầu độc lập khỏi sự kiểm soát của của Vietnam Airline.
Một vụ việc nữa được ông Tuấn nhắc tới là vào năm 2008, 19 DN bảo hiểm (chiếm 99,79% thị phần trên thị trường bảo hiểm vật chất xe ô tô tại Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các DN bảo hiểm trong lĩnh vực xe cơ giới và ban hành điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe cơ giới. Hành vi này đã làm tăng mức phí bảo hiểm xe cơ giới khoảng 15%. Với lượng xe cơ giới vào thời điểm đó vào khoảng hơn 1 triệu xe, trong đó 20% số xe có mua bảo hiểm xe cơ giới thì nếu thỏa thuận này được áp dụng, người dân sẽ phải trả thêm chi phí với số tiền hơn 300 tỷ đồng. 2016 đã có hơn 330 hồ sơ khiếu nại về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có 182 vụ đã được điều tra, xử lý