Doanh nghiệp kỳ vọng gì ở đặc khu kinh tế?
Việc thành lập 3 đặc khu kinh tế ở ba miền gồm đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), đặc khu Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và đặc khu Phú Quốc (Kiên Giang) với những đề xuất ưu đãi, cơ chế chính sách vượt trội kỳ vọng sẽ là “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm, đầu tư của các DN trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, 3 đặc khu này được thành lập hơi chậm so với các nước trong khu vực, do đó, cơ chế, chính sách cho các DN đầu tư vào đây phải thực sự vượt trội, đem lại cơ hội sinh lời sớm cho DN.
Đầu tàu kinh tế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nền kinh tế nước ta đang có năng lực cạnh tranh thấp, việc khai thác các tiềm năng tĩnh, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang ngày càng bị thách thức lớn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. Trong khi đó, tiềm năng phát triển tại các khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có vị trí chiến lược, có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, có tiềm năng phát triển các ngành, nghề du lịch, dịch vụ logistics, thương mại, bất động sản, y tế, giáo dục chất lượng cao, khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, phát triển khởi nghiệp sáng tạo. Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về kinh tế và hành chính đột phá, đẩy mạnh hợp tác và cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, tạo tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách. Một trong những mục tiêu của việc xây dựng 3 đặc khu kinh tế chính là nhằm xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và tạo động lực mới đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.
Chia sẻ về sự quan tâm của các DN tới việc hình thành 3 đặc khu kinh tế này, ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, các DN trong hội cũng như cá nhân ông rất quan tâm tới việc thành lập các đặc khu này cũng như những đề xuất ưu đãi dành cho đặc khu kinh tế bởi đây là những khu vực kinh tế đặc biệt, khác với các khu vực kinh tế hiện hành. Theo đó, thủ tục hành chính, các quy định và các ưu đãi phải có những đột phá so với quy định hiện hành tại khu vực nội địa bên ngoài đặc khu, sát với cơ chế thị trường, hay nói chính xác là tại đây sẽ có nền kinh tế thị trường chuẩn mực. Việc thành lập đặc khu là để xây dựng nên những đầu tàu, tạo động lực cho đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, như mô hình đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, Chu Hải, Thượng Hải… của Trung Quốc. Ông Điểm nhấn mạnh, bên cạnh những chính sách ưu đãi về thuế, phí, đất đai… thì một trong những vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nhất của đặc khu kinh tế mà DN rất quan tâm chính là bộ máy công quyền. Bộ máy này phải đủ quyền lực để điều hành, thậm chí quyền lực của họ được phép khác biệt với những quy định pháp luật hiện hành hoặc chưa có trong quy định.
Liên quan đến chính sách ưu đãi cho các đặc khu kinh tế, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại 3 đặc khu này ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được thu hẹp từ 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện xuống còn 63 ngành, nghề thật sự đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài để tạo sự linh hoạt hơn trong huy động vốn từ đất và mở rộng kênh huy động vốn từ nước ngoài; Tăng thời hạn sử dụng đất đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lên không quá 99 năm cao hơn quy định hiện hành là 70 năm của Luật đất đai và tương tự như Thái Lan…
Cần thông điệp mạnh mẽ về lợi ích của DN tại đặc khu
Cho rằng việc lập đặc khu kinh tế là điều cần thiết song ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các DN đầu tư nước ngoài lo ngại các đặc khu của Việt Nam được thành lập quá muộn so với mô hình các đặc khu kinh tế của các nước trong khu vực đã được thành lập từ trước đó rất lâu. Chưa kể, hiện nay các DN đầu tư nước ngoài cũng đã và đang nhận được nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam, không kể là ở các khu kinh tế mà ở các địa bàn, địa phương khác nhau, các ưu đãi họ đề xuất thường được chấp thuận và tạo điều kiện để triển khai dự án. Do đó, với các đặc khu kinh tế mới thành lập, phải có hạ tầng tốt, ưu đãi phải thực sự vượt trội hơn hẳn so với các khu kinh tế hiện nay thì mới có thể đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, Chính phủ, các địa phương cần phải đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về những gì mà DN có thể được hưởng lợi khi vào đặc khu kinh tế. Hiện nay Việt Nam đã và đang tạo thuận lợi cho các DN FDI, do đó nếu như không có những ưu đãi quá khác biệt và DN không nhìn thấy được cơ hội sinh lời một cách rõ ràng thì không dễ để thu hút các DN FDI vào đặc khu kinh tế.
Liên quan đến thông tin đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong sẽ thu hút các DN trong ngành logistics, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Công ty Interlog, một DN hoạt động trong ngành này cho rằng, hiện nay có rất ít DN logistics hoạt động trong khu vực Vân Phong. Ông Minh cũng cho biết, logistics là nghề dịch vụ, đặc thù của lĩnh vực logistics là chỉ khi nào có chủ hàng, có nhu cầu mua bán và có hãng tàu vận chuyển chấp nhận vận chuyển hàng thì logistics sẽ tự tìm đến. Nhưng hiện nay khu vực Vân Phong chưa có nhiều chủ hàng, chưa có người mua người bán, do đó dịch vụ logistics chưa phát triển. Vì thế, khi đầu tư, DN cũng như người đi đãi vàng, họ cũng phải xem xét bài toán thực tế xem có các nhà đầu tư đến đầu tư tại đặc khu kinh tế hay không. Theo ông Minh, Bắc Vân Phong có lợi thế cảng nước sâu, tuy nhiên, dẫn thực tế của Cảng Cái Mép (TP.HCM) dù được đầu tư rất quy mô nhưng hiện nay hoạt động rất khó khăn, trong khi Vân Phong chưa có gì ngoài khu nước sâu, còn phải đầu tư xây cảng, sau đó còn phải xem hãng tàu có đến hay không… ông Minh cho rằng còn nhiều vấn đề phải xem xét. Lấy dẫn chứng khu kinh tế Chu Lai với Thaco Trường Hải, ông Minh cho rằng, phải có những DN lớn như Trường Hải đầu tư vào đặc khu kinh tế thì mới có thể lôi kéo các DN khác.
Bên cạnh các lĩnh vực như công nghiệp sáng tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp sinh thái, cảng biển nước sâu; dịch vụ logistics cảng biển, trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp… thì một trong những lĩnh vực mà cả 3 đặc khu kinh tế đều hướng đến thu hút đầu tư là du lịch nghỉ dưỡng, có kết hợp kinh doanh vui chơi giải trí, casino. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội BĐS Du lịch Việt Nam cho rằng, tuy ra đời sau nhưng Việt Nam có nhiều thế mạnh, như trong 3 khu vực đặc khu kinh tế có nhiều danh lam, thắng cảnh, nhân công rẻ, nền tảng công nghệ thông tin tốt vì Việt Nam là một trong những nước đột phá rất nhanh trong lĩnh vực này. Liên quan đến lợi thế của các DN khi đầu tư vào các đặc khu, ông Điệp cũng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài hay các nhà đầu tư trong nước đều có lợi thế của riêng mình, tuy nhiên theo ông Điệp, nhà đầu tư trong nước có lợi thế hơn. Các DN trong nước nên tham gia đầu tư sơ khai cho các đặc khu kinh tế, họ trở thành chất xúc tác, là vốn mồi, rất quan trọng để kêu gọi các nhà đầu tư FDI.