Động lực mới cho “đầu tàu” kinh tế
Cuối năm 2017, TP.HCM đón nhận cùng lúc 2 tin vui, đó là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM và việc công bố Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để "Đầu tàu” kinh tế phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Cải cách tạo động lực cho tăng trưởng
Thay vì phải tới Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp tại TP.HCM như trước đây, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã có thể thực hiện thủ tục này qua mạng. Đồng thời, TP.HCM cũng đã chính thức đưa vào vận hành Chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến giai đoạn 2 áp dụng cho thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Chương trình này đã được các nhà đầu tư và doanh nghiệp hưởng ứng và ủng hộ, đã tiếp nhận gần 2.000 hồ sơ đăng ký trực tuyến thành công. Đó là một trong những bước cải cách thủ tục được người dân đánh giá cao.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong những năm trước, năm 2017 TP.HCM tiếp tục đây mạnh vận dụng những tiến bộ của internet và hạ tầng công nghệ để triển khai nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các liên lạc trực tiếp giữa DN và chính quyền. Qua đó giảm nhũng nhiễu, đồng thời giúp cho việc lưu trữ hồ sơ minh bạch, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát về sau. Chính vì vậy, các thủ tục hành chính qua mạng đã thu hút được đông đảo DN tham gia.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện hầu hết DN trên địa bàn thành phố đã thực hiện kê khai thuế qua mạng, đạt tỷ lệ 99,99%. Số lượng DN đăng ký nộp thuế điện tử cũng đạt xấp xỉ 98%. Hiện 92% số lượng chứng từ nộp thuế hàng tháng được nộp bằng phương thức điện tử. Việc rút ngắn các thủ tục hải quan cũng đã giúp cắt giảm trên 50% thời gian làm thủ tục hải quan so với quy định, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xuất, nhập khẩu hàng hóa. Cùng với đó, nhiều thủ tục hành chính khác cũng đã được rút ngắn đáng kể so với trước đây, như thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN, thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục đăng ký cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng đã giảm trên 60% so với quy định. Hiện 67% DN đã thực hiện đăng ký qua mạng, vượt 30% so với kế hoạch.
Những cải cách như trên đã giúp cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh của thành phố. Điều này thể hiện qua số lượng DN thành lập mới và dòng vốn FDI đổ vào thành phố tăng mạnh trong năm qua. Ước cả năm 2017, thành phố có trên 40.600 DN thành lập mới, tăng 12% so với năm trước, nâng tổng số DN đăng ký trên hệ thống (đã trừ giải thể) là 332.862 DN. Về thu hút vốn FDI, ước cả năm 2017, có 850 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 220 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm trên 3 tỷ USD. Nếu tính chung cả vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các DN trong nước thì tổng vốn FDI thu hút được năm 2017 là 5,51 tỷ USD, tăng trên 59%. Hiện nay, TP.HCM có gần 7.280 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 43,62 tỷ USD.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 11 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt trên 32 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch đạt trên 29 tỷ USD, tăng 27%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn trong 11 tháng đạt gần 39 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2017 ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,25% (cùng kỳ tăng 8,05%). Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, du lịch, thông tin truyền thông, vận tải - cảng - kho bãi, khoa học - công nghệ, kinh doanh bất động sản, giáo dục và y tế. Tỷ trọng, 9 nhóm ngành này chiếm tỷ trọng cao nhất 52,8% trong tổng GRDP. Trong đó, 3 nhóm ngành bất động sản, thương mại và vận tải kho bãi tiếp tục chiếm tới 28,9% trong tổng GRDP.
Thêm động lực mới
Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 11/2017 bao gồm 18 nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề: quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý. Trong khi đó, Đề án đô thị thông minh hướng đến bốn chủ thể chính của đô thị gồm: Chính quyền, người dân, DN và các tổ chức xã hội. Đối với chính quyền, thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực. Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu, đồng thời dễ dàng tương tác với chính quyền, qua đó tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố. Về phía cộng đồng DN, môi trường kinh doanh sẽ minh bạch, đơn giản, thuận tiện hơn, DN được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác. Còn đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, việc liên thông điện tử trong đô thị thông minh sẽ giúp người dân, DN có thể ở nhà nộp hồ sơ, thanh toán chi phí thủ tục qua mạng, rồi nhận kết quả thông qua bưu điện. Mỗi một sở ngành là đầu mối tiếp nhận dịch vụ công nào thì phải chủ động liên thông với các sở ngành, đơn vị khác có liên quan để giải quyết, đồng thời trả kết quả cuối cùng, không để người dân, DN phải lo mang hồ sơ chạy lòng vòng...
Hiện TP.HCM đang ráo riết triển khai các công việc cần thiết để thực hiện cơ chế đặc thù và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Đây được xem là “đòn bẩy” quan trọng tạo sự đột phá, giúp thành phố tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững hơn. Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc TP.HCM được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù giống như “cờ trong tay”. Vấn đề còn lại là TP.HCM phát huy năng lực sử dụng “đòn bẩy” đó như thế nào, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan đầu não của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, với những gì thành phố đã và đang thực hiện trong thời gian qua, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào một sự bứt phá trong thời gian tới, đưa thành phố trở thành đô thị hiện đại ngang tầm khu vực.