Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

FTA với Liên minh Á- Âu và những nguyên tắc "không giống ai"

Doanh nghiệp cần nắm vững nội dung Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á- Âu (EAEU), vấn đề giảm thuế sẽ vô nghĩa nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, chứng nhận xuất xứ…

Cơ chế ngưỡng: Không cẩn thận “vỡ” đơn hàng

Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi EAEU có hiệu lực (từ ngày 5/10/2016) là rất lớn bởi tổng dân số của khối liên minh này là gần 200 triệu người, giá trị tổng sản phẩm - GDP hơn 2.200 tỷ USD.

Đáng chú ý, khi thuế quan giảm về 0% thì một loạt mặt hàng của Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ, dệt may… sẽ được hưởng lợi ngay lập tức. Ông Trương Hoàng Hải, Tổng thư ký HANSIBA dẫn chứng, thủy sản của Việt Nam có lợi ngay khi thuế lập tức về 0% bởi đây là thị trường tiêu thụ nhiều thủy sản. 

“Chỉ cần đảm bảo tôm, cá… không có dư lượng kháng sinh, đảm bảo vệ sinh, giao hàng chuẩn, chất lượng ổn định thì chắc chắn chúng ta có thể xuất khẩu vững chắc vào thị trường này”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, “đây là một hiệp định khá đặc biệt khi thời gian đàm phán siêu nhanh chỉ trong vòng 1 năm (trung bình đàm phán một FTA phải mất 3 năm) và đối tác có cách tiếp cận không giống Mỹ hay EU…”, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận xét.

Bởi  lẽ, ngoài những nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia, cắt giảm, xóa bỏ thuế quan… thì FTA Việt Nam- EAEU còn có những nguyên tắc riêng và doanh nghiệp cần phải chú ý bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.

Ông Khanh cho hay, FTA Việt Nam- EAEU có nguyên tắc về cơ chế mức ngưỡng đối với sản phẩm dệt may và đồ gỗ. Cụ thể, khi đàm phán, phía đối tác đồng ý đưa thuế suất về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và không yêu cầu quy tắc xuất xứ chặt từ sợi hoặc từ dệt trở đi như các hiệp định khác.

Ví dụ, sản phẩm dệt may của Việt Nam ngay lập tức sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất sang EAEU thay vì mức thuế trên 20% khi chưa có hiệp định. Tuy nhiên, phía đối tác lo sợ việc mở toang thị trường cho dệt may nên đã áp dụng cơ chế mức ngưỡng, tức là nếu giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EAEU tăng gấp 2 lần kim ngạch của 3 năm cộng lại thì họ lập tức khởi động mức ngưỡng. Nếu không kiềm chế thì họ sẽ ngừng ưu đãi và quay trở lại mức thuế cũ. 

“Điều này, doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý”, ông Khanh cảnh báo khi cho rằng “doanh nghiệp Việt Nam làm gì cũng ít khi nhìn nhau, mạnh ai người ấy làm. Nếu cứ “hò” nhau xuất khi đến ngưỡng cảnh báo thì tất cả doanh nghiệp đều thiệt, dẫn tới nguy cơ vỡ đơn hàng, vỡ kế hoạch”. 

Quy tắc xuất xứ chặt hơn cả TPP

Không chỉ đưa ra cơ chế ngưỡng, khối liên minh này còn đưa ra những nguyên tắc về quy tắc xuất xứ “không giống ai”.

Theo ông Khanh, do lo sợ doanh nghiệp Việt Nam lợi dụng quy tắc xuất xứ hoặc làm thủ thuật để thay đổi quy tắc xuất xứ nên họ đưa ra quy tắc chặt hơn cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, EAEU chỉ cho phép vận chuyển trực tiếp không cho phép chia nhỏ lô hàng. 

Đây sẽ là vấn đề mà các tập đoàn đa quốc gia vướng bởi những tập đoàn này làm theo dây chuyền cung ứng trong khi EAEU yêu cầu vận chuyển trực tiếp (cả công vận chuyển) từ Việt Nam sang Nga thì mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Cùng với đó, phía đối tác còn yêu cầu chặt về chứng nhận xuất xứ buộc doanh nghiệp phải lưu ý vấn đề này, nếu không sẽ bị tạm ngừng ưu đãi khi bị phát hiện có gian lận xuất xứ có hệ thống. 

Vị lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên dẫn chứng, một doanh nghiệp A. khi xuất khẩu sang Nga tự thực hiện chứng nhận xuất xứ nhưng có thể do thông tin chưa đầy đủ, nghiệp vụ chưa tốt, hoặc có sự chủ quan đưa ra chứng nhận xuất xứ không chính xác và bị hải quan phía Nga phát hiện. Khi đó, phía đối tác sẽ nhắc nhở lần đầu nhưng nếu họ tiếp tục phát hiện thì doanh nghiệp A. lập tức bị ngừng xuất khẩu. 

Thế nhưng, nếu tiếp tục có doanh nghiệp cùng ngành bị phát hiện chứng nhận xuất xứ không chính xác thì cả ngành hàng đó sẽ bị cấm xuất khẩu. Đây là một trở ngại vô cùng lớn đòi hỏi doanh nghiệp có sự phối hợp để đảm bảo lợi ích cho mình.

Với những vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần nắm vững nội dung hiệp định, vấn đề giảm thuế sẽ vô nghĩa nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, chứng nhận xuất xứ…

Hơn nữa, với thị trường EAEU, trong thời gian trung và ngắn hạn, doanh nghiệp phải đi trước các nước trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam là nước đầu tiên có FTA với EAEU nhưng đừng nghĩ rằng chúng ta sẽ mãi có cơ hội “một mình một chợ”. Một ngày nào đó, EAEU cũng sẽ có FTA với các nước, nếu không tận dụng lợi thế ngay từ bây giờ thì lợi ích của chúng ta ngày càng nhỏ đi.

TAGS :