Giá tiêu hôm nay 4.10: Thị trường èo uột, cây tỷ đô hết thời siêu lãi
Giá hồ tiêu nguyên liệu thu mua ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ vẫn rất ảm đạm và hầu như không đổi so với hôm qua. Theo đó, giá tiêu hôm nay dao động trong khoảng 80.000 - 81.000 đồng/kg. Đáng chú ý là chỉ từ cuối tháng 8 đến nay, giá hạt tiêu đã liên tục giảm về mốc 80.000 đồng/kg, cách xa so với mốc đỉnh điểm 170.000 đồng/kg của 1 năm trước.
Hết thời cây "siêu" lợi nhuận?
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu tăng cao, có thời điểm lên tới 180.000 - 200.000 đồng/kg đã đem lại mức siêu lợi nhuận cho người trồng trong những năm qua, từ 300 triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha. Do đó, nông dân đã ồ ạt mở rộng diện tích.
Cụ thể, diện tích thống kê năm 2017 đã tăng gấp đôi so với năm 2013, đã có 28 tỉnh, thành trồng tiêu. Phía Bắc mở rộng đến Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa; phía Nam mở rộng đến đất liền của Kiên Giang, Cà Mau… Trong đó, các tỉnh có diện tích tiêu tăng đột biến và đứng đầu cả nước là Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước…
Hoạt động thương mại, xuất khẩu hồ tiêu những năm qua cũng rất nhộn nhịp, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng mạnh và mở rộng khắp nơi đã giúp nông dân tiêu thụ được hết lượng sản phẩm sản xuất ra, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đứng đầu thế giới với tỷ trọng trên 58% lượng xuất khẩu toàn thế giới.
Tuy nhiên chính việc gia tăng sản xuất một cách ào ạt, không kiểm soát, không theo quy hoạch, chạy theo lợi nhuận… đã đẩy hồ tiêu Việt Nam cũng như nhiều nông sản khác vào thế khó. Để thu được tối đa lợi nhuận trong thời điểm giá bán cao và lại phải đối mặt với bệnh chết nhanh chết chậm ngày càng lan rộng, nhiều nhà vườn trồng tiêu đã lạm dụng thuốc BVTV. Từ đó, dẫn đến kết quả dư lượng các hoạt chất cấm trên sản phẩm cao, thị trường nhập khẩu từ chối nhập hàng…
“Trong bối cảnh giá hồ tiêu ở mức cao, việc sản xuất theo hướng bền vững sẽ làm giảm năng suất của vườn tiêu xuống khoảng 50-70% nên rất khó để thuyết phục nông dân” – ông Đỗ Hà Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Tổng Giám đốc Intimex từng chia sẻ.
Do diện tích tăng quá nhanh, cung vượt cầu nên giá tiêu bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2016 và đến nay chỉ còn 80.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm vào giữa năm 2017, giá tiêu có ngày đã giảm về gần 70.000 đồng/kg.
Vẫn áp dụng quy trình trồng tiêu kiểu... truyền miệng
Theo Thạc sỹ Đào Thị Lan Hoa, Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên thì hiện nay, ngành sản xuất hồ tiêu vẫn tồn tại không ít nghịch lý. Hầu hết người trồng hồ tiêu đều chạy theo thị trường để đầu tư phát triển trên diện rộng. Hiện nay chưa có một quy trình chuẩn cho nông dân áp dụng cũng như định hướng sản phẩm đầu ra là sẽ bán ở đâu và tình hình tiêu thụ như thế nào? Nông dân chủ yếu làm theo kiểu cứ thấy giá cao, có lợi nhuận là ồ ạt phát triển diện tích.
Còn vấn đề chăm sóc, phòng trị bệnh thì phần lớn khi thấy có dấu hiệu bệnh là bà con hỏi thăm nhau để mua thuốc bảo vệ thực vật về tự trị bệnh chứ không có một quy trình phù hợp nào cả.
Ông Trần Văn Vinh, ở thôn 10, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) trồng gần 1,5ha hồ tiêu. Vườn tiêu này cho thu hoạch đã gần 6 vụ, nhưng mỗi năm để phòng trừ các loại bệnh phổ biến như: Tuyến trùng, rệp sáp, vàng lá… ông lại áp dụng một khác. Ông Vinh cho biết: “Để đầu tư được vườn tiêu thành công là cả một quá trình. Nhưng việc làm sao cho vườn cây tránh được dịch bệnh tấn công, hiện chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo ông Vinh, những năm qua, ngành nông nghiệp đã có những khuyến cáo, tổ chức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến các vùng trồng tiêu nhưng không phải hộ nông dân nào cũng tiếp cận được. Do đó, những hộ trồng tiêu ở vùng sâu, vùng xa áp dụng kỹ thuật trồng tiêu theo kiểu truyền miệng. Thậm chí nhiều hộ áp dụng quy trình của các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trụ sở ở các thành phố lớn, chưa một lần trồng, chăm sóc hồ tiêu.
Đề cập đến khó khăn trong việc thực hiện các quy chuẩn trong sản xuất hồ tiêu, theo ông Nguyễn Phú Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Sinh học (DONA-TECHNO), thời gian qua, Công ty đã đầu tư cho nông dân sản xuất tiêu sạch, bền vững và truy xuất nguồn gốc, thu mua trực tiếp để giảm bớt khâu trung gian cho nông dân.
Mặc dù đã có những thành công nhất định, nhưng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa được như mong muốn, do đó chưa thể hình thành nên một mô hình phát triển ổn định, bền vững để nhân rộng ra cho các vùng sản xuất hồ tiêu của địa phương.
Ông Trần Đình Mạnh - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đắk Nông cho rằng: Các bộ tiêu chuẩn như: Viet GAP, GlobalGAP, Rainforest Alliance (RA), Susainable Arriculture Network (SAN)… cần có một cách ứng dụng linh hoạt chứ không thể áp dụng chung cho tất cả. Đơn cử, quy trình sản xuất hồ tiêu an toàn sinh học ở Lâm Đồng nhưng không thể mang sang áp dụng rập khuôn cho xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song.
Kể cả trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng một bộ quy trình về phát triển cây hồ tiêu, nhưng bộ quy trình này cũng không thể áp dụng chung cho các vùng trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được. Bởi mỗi vùng trồng tiêu đều có những đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên đó chỉ là bộ quy trình chuẩn để tham chiếu mà thôi.
Do đó, để giúp nông dân tránh rủi ro trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu, các doanh nghiệp cùng với các đơn vị chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ và có những định hướng chuyển giao các quy trình, quy chuẩn phù hợp đến từng vùng, từng nông hộ.