“Giải cứu” nguyên liệu điều nhập khẩu
Nguyên liệu điều nhập khẩu về Việt Nam đang bị kẹt lại các cảng khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có văn bản gửi các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương... để can thiệp về vấn đề này.
Theo phản ánh của các DN thành viên của Vinacas, hiện có trên 100 nghìn tấn điều thô do các hãng tàu như CMA CGM, Cosco… hợp đồng vận chuyển từ châu Phi (Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana, Tanzania, Mozambique,…) về Việt Nam đang nằm chờ trên biển do gặp khó tại cảng đi, cảng đến và cảng trung chuyển, khiến chất lượng nguồn nguyên liệu bị giảm sút, ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất và giao hàng của DN.
Vinacas cho rằng, việc trì hoãn vận chuyển của các hãng tàu, vì lý do chủ quan hay khách quan đang gây ra thiệt hại cho cả người bán lẫn người mua. Đặc biệt, do đặc thù của hàng hóa vận chuyển từ châu Phi là hạt điều thô thường được xếp hàng lên container khi mà độ ẩm còn cao (>10%). Vì vậy, thời gian vận chuyển kéo dài, khi về tới Việt Nam, nguyên liệu sẽ bị giảm phẩm cấp, chất lượng, mọc mầm… gây tổn thất nặng nề cho DN.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas - chia sẻ: Nguyên nhân chính do các DN nhập khẩu thường chọn cảng Cát Lái là điểm giao hàng, trong khi năng lực bốc xếp tại cảng này có hạn nên dẫn đến quá tải, khiến hàng hóa bị dồn ứ. Đồng quan điểm này, ông Đăng Thịnh - Giám đốc Công ty Toàn Thịnh - cho biết, trước đây tàu hàng về từ từ nên không bị ảnh hưởng gì. Năm nay, các cảng trung chuyển bị kẹt tàu, đến lúc có tàu, toàn bộ lượng điều tồn đọng tại cảng được đưa hết về Việt Nam cùng lúc khiến việc giải phóng hàng bị quá tải.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, CMA CGM đã thông tin sẽ tăng cường thêm 3 chuyến tàu để đưa hàng đang nằm tại cảng trung chuyển Port Klang (Malaysia) về cảng Cái Mép, dự kiến, cập cảng vào các ngày 24,25 và 26/6 tới.
Thông tin rõ hơn về việc hỗ trợ DN, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho hay, đại diện một số hãng tàu cam kết có phương án cụ thể để giao hàng sớm nhất cho DN. Theo đó, ngày 23/6, có tàu 1.200 TEU cập cảng Cát Lái, ngày 26/6 có thêm một tàu nữa, đồng thời, hàng tuần, DN vận tải dự kiến chở 300TEU đến cảng Cái Mép và dùng xà lan vận chuyển đến cảng Cát Lái.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, sự cố ùn ứ nguyên liệu điều trên biển có một phần lỗi từ chính DN nhập khẩu. Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều cảng có thể đảm nhận việc xếp dỡ hàng nhưng không hiểu sao DN lại chọn Cát Lái. Trong điều kiện hiện nay, cảng Cát Lái luôn bị quá tải, DN cần từ bỏ thói quen này và phải chọn cảng cho phù hợp để không làm khó cho chính mình và không bị DN vận tải đưa vào thế bí. Vị chuyên gia này còn chia sẻ thêm, vận chuyển hàng từ châu Phi và châu Mỹ chỉ có vài hãng tàu lớn. Nhiều hãng không có tàu vận chuyển phù hợp từ cảng trung chuyển vào cảng Việt Nam nên thường đề nghị DN trong nước tham gia. Cộng với việc cảng Cát Lái đang quá tải, DN vận tải nước ngoài đưa tàu vào nằm chờ xếp hàng sẽ mất thêm chi phí nên họ không mấy mặn mà việc đưa hàng về. Phần thiệt vì thế vẫn là DN nhập khẩu.