Giảm khai thác dầu, xuất khẩu điện thoại làm chậm tăng trưởng
Chính phủ khẳng định sẽ phân tích thấu đáo, có giải pháp đạt kế hoạch tăng GDP 6,7% năm nay, song nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về việc liệu nền kinh tế có phải theo đuổi bằng được chỉ tiêu này
Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội tại tổ vào chiều 25/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng - nêu 2 nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ 5,21%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Trước tiên, việc giá dầu thấp dẫn đến kế hoạch khai thác dầu thô giảm khoảng 3 triệu tấn so với thực hiện cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, sự cố thu hồi sản phẩm điện thoại Galaxy Note 7 của Samsung - doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam - đã khiến nền kinh tế "thất thu" thêm 1 tỷ USD nữa, tức tương đương khoảng 0,5% GDP.
Cho rằng đây là những nguyên nhân khách quan, song lãnh đạo Chính phủ khẳng định các bộ, ngành đã có phân tích kỹ lưỡng để đưa ra kịch bản tăng trưởng chính xác hơn. "Để bảo đảm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 như kế hoạch Quốc hội giao 6,7%, các bộ ngành đã tính toán chỉ tiêu của từng cấu phần, như xuất khẩu, nông nghiệp, du lịch, công nghiệp… cần tăng bao nhiêu", Thủ tướng nêu quyết tâm của Chính phủ.
Ông cũng cho biết, tình hình kinh tế tháng 4, 5 đã tốt hơn quý I. "Trừ trường hợp bất khả kháng, hy vọng năm nay sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội giao”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội giao
Dù lãnh đạo Chính phủ thể hiện quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, song nhiều đại biểu Quốc hội lại tỏ ý băn khoăn về chỉ tiêu này. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặt vấn đề “có nhất thiết phải chạy theo chỉ tiêu đạt tăng trưởng bằng mọi giá hay không?”.
“Thực ra chỉ số tính GDP đã không còn phù hợp nhưng chúng ta vẫn “cắm đầu cắm cổ” đạt bằng được. Tăng trưởng cao nhưng rồi sẽ phải trả giá những gì?”, ông Nghĩa nêu câu hỏi trước thực tế đã có những bài học đắt giá từ một số quốc gia như Trung Quốc, khi tăng trưởng quá nóng trong thời gian dài và hiện phải trả giá. "Tôi cho rằng chỉ cần tăng trưởng 6,3% như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đưa ra là được, song song đó cần bảo vệ môi trường, tài nguyên… để phát triển bền vững hơn, người dân yên tâm hơn”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Theo đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM), nếu đưa ra quyết tâm tăng trưởng GDP năm nay 6,7% bằng mọi giá thì về hình thức, số lượng có thể sẽ đạt được. Nhưng 2-3 năm sau, hoặc sau nhiệm kỳ 5 năm, kinh tế - xã hội sẽ bị tác động bởi việc tận dụng khai thác triệt để nguồn tài nguyên dầu thô này.
“Dầu thô khai thác bao nhiêu còn phụ thuộc vào giá thị trường. Khi giá tốt thì khai thác, giá xuống thì nên để lại. Chính phủ cần tính toán cân đối trong khai thác nguồn tài nguyên, cũng như tìm các nguồn thu khác để bù đắp”, ông Quốc nói và nhấn mạnh, một trong những nguồn thu “nằm trong tầm tay” là tạo đà phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
“Dĩ nhiên tôi hiểu tăng khai thác dầu là giải pháp tình thế, có thể đạt mục tiêu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng cần hy sinh hiện tại để có sự phát triển bền vững tương lai”, ông nói.
Về lâu dài, ông Quốc cho rằng, Chính phủ cần cấu trúc lại nền kinh tế, có chính sách tạo đột phá vào những ngành liên kết mạnh trong nền kinh tế để phát triển.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nêu một số câu hỏi đề nghị Chính phủ làm rõ. Cụ thể, kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017 giảm khoảng 3 triệu tấn so với thực hiện năm 2016, tác động làm giảm tăng trưởng GDP khoảng 0,75%. “Vì sao khai thác dầu thô giảm lớn như vậy?”, ông nói.
Cũng tại phiên thảo luận ở tổ, khi đề cập tới những cuộc giải cứu dưa hấu, thịt heo… vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Hiển chia sẻ nhiều trăn trở. Theo đại biểu tỉnh Lâm Đồng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam, tác động sâu rộng đến nền kinh tế trong nước.
"Phải làm sao để chúng ta ít bị ảnh hưởng và ít bị động đối với những thay đổi chính sách của nước bạn. Lâu nay, hầu như chỉ cần họ thay đổi một chính sách là chúng ta ảnh hưởng cực kỳ lớn. Không thể để mỗi lần nước bạn hắt hơi sổ mũi là chúng ta lại giải cứu như thế này. Tôi nghĩ cần có chiến lược quản lý rõ ràng hơn”, ông Nguyễn Văn Hiển phân tích.
Đồng quan điểm, Phó bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Đặng Thế Vinh cũng đánh giá, việc chung tay chia sẻ hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn vừa qua là cần thiết, mang tính tình thế nhưng không nên coi đây là tiền lệ tốt, cần có giải pháp căn cơ hơn.
"Trong 6 giải pháp Chính phủ nêu, có 1 nội dung là đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhưng cứ cơ cấu rồi lại phải đi giải cứu. Vừa qua mới triển khai cứu trợ ngành chăn nuôi, còn các ngành khác thì sao?”, đại biểu tỉnh Hậu Giang đặt câu hỏi.
"Nếu cứ giá cao lại phát triển, lại tập trung sản xuất thì sẽ khó tránh được mùa mất giá, có nguy cơ rủi ro như chăn nuôi lợn vừa qua”, ông Vinh phân tích và cho rằng dù Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nông nghiệp nhưng vẫn chưa có quy hoạch tổng thể ngành, đặc biệt dự báo về năng lực sản xuất, thị trường không sát.
Anh Minh - Hoàng Thuỳ