Giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại một số tỉnh biên giới phía Bắc
Nhằm nắm bắt tình hình liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; cũng như các khó khăn về cơ chế, chính sách, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức Giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quý I/2017 một số tỉnh trọng điểm biên giới phía Bắc tại Cao Bằng.
Theo Chánh Văn phòng Thường trực - Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế, thời gian qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Thủ tướng Chỉnh phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Từng bước phát huy hiệu quả và đi vào nề nếp, có các giải pháp tổng thể dài hạn, sát với tình hình thực tế và những vấn đề được Chính phủ, nhân dân quan tâm.
Trên cơ sở bám sát tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ; với sự điều hành, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 lực lượng chức năng các cấp đã tổ chức đấu tranh có hiệu quả, cụ thể: Năm 2016, phát hiện, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); số thu nộp NSNN từ tiền xử phạt VPHC, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 21.556 tỷ 318 triệu đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); khởi tố 1.561 vụ đối với 1.863 đối tượng.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, phát hiện, xử lý 57.902 vụ việc vi phạm (giảm 9% so với năm 2016); số thu nộp NSNN từ tiền xử phạt VPHC, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 6.128 tỷ 838 triệu đồng; khởi tố 423 vụ đối với 502 đối tượng.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, nhưng công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa tương xứng với thực tế.
Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ đáng chú ý là tình trạng vận chuyển trái phép ma túy, pháo, vật liệu nổ, động vật hoang dã và sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, đường cát, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, đồ điện tử, điện lạnh, thực phẩm, gia cầm, gia súc, hàng bách hóa tiêu dùng,... Trong nội địa, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, sản xuất, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra. Tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ trái phép các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và trong chăn nuôi,… diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Phương thức thủ đoạn vi phạm của các đối tượng chủ yếu là thuê mướn cửu vạn vận chuyển lén lút hàng qua các đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới; hoán cải xe gắn máy, gia cố vách ngăn, hầm hàng bí mật trên các xe vận tải chở hàng, chở khách để chuyên chở hàng lậu từ biên giới vào nội địa; lợi dụng, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường sắt liên vận quốc tế, đường sắt bắc - nam; lợi dụng chính sách ưu đãi, định mức miễn thuế của hàng hóa trao đổi cư dân biên giới, sử dụng trái phép hóa đơn, chứng từ để hợp thức hàng lậu; gian lận trong khai báo hải quan, lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu để gian thương mại, trốn thuế, né tránh giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành,...
Tại Hội nghị, đại diện BCĐ 389 Bộ, ngành và địa phương cũng nêu lên khó khăn trong thực thi nhiệm vụ như: Thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi. Theo đó, các đối tượng sử dụng mánh khóe tìm mua hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá thành rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Nhằm đánh lừa người tiêu dùng, các sản phẩm giả mạo được bán trà trộn với hàng thật, một phần nhỏ đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ không chỉ gây hại cho sức khỏe con người và làm tổn hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Mặt khác, ngoài những nguyên nhân khách quan như địa bàn phức tạp, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy định… sự hạn chế của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan. Đó là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc… Đáng chú ý một bộ phận cán bộ chiến sỹ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Vấn đề đặt ra cần tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
Lực lượng chức năng chủ động xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các báo, đài ở TW và địa phương về chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vận động quần chúng nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đấu tranh; tiếp nhận, xử lý hiệu quả thông tin đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu, hành vi tiếp tay cho buôn lậu.
Nguồn: T.Hằng/bcd389.gov.vn