Hà Nội công nhận 12 Dự án khởi nghiệp công nghệ thông tin
Ngày 18/8, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư đợt 1 dành cho các dự án khởi nghiệp thuộc vườm ươm doanh nghiệp Công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Tại Hội nghị lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã công bố 12 Dự án khởi nghiệp tiếp nhận vào vòng 3 (vòng ươm tạo chính thức của Vườn ươm DN công nghệ thông tin).
Theo bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Đề án “Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ Thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội” đã được khai trương và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2017. Đến nay, Vườn ươm đang tiến hành ươm tạo nhiều Dự án khởi nghiệp, là các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực vận tải, giáo dục đào tạo, môi trường, mạng xã hội, thương mại điện tử, thời trang…
Nói về 12 Dự án được lựa chọn vào Vườn ươm khởi nghiệp đợt này, ông Vũ Tấn Cương, Trưởng ban Quản lý Vườn ươm cho biết, đây là các Dự án khởi nghiệp xuất sắc đã được chọn lọc và trải qua 3 vòng đánh giá, tuyển chọn của Hội đồng cố vấn Vườn ươm. Các Dự án này được đánh giá cao về tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa sản phẩm.
Trong số 12 Dự án khởi nghiệp được công nhận lần này theo ông Cương, có 5 Dự án giới đang trong quá trình kêu gọi vốn đầu tư phát triển kinh doanh năm 2017 gồm: Ứng dụng công nghệ thông tin phân loại rác từ đầu nguồn; ứng dụng giáo dục học dễ; hệ sinh thái quản lý bán hàng- giao hàng; bán vé online; sàn thương mại điện tử đại lý bán hàng online theo mô hình nhân bản hạt nhân.
Và nhóm 7 Dự án kêu gọi vốn hoàn thiện sản phẩm là nền tảng website cho phép kết nối khách hàng với các chuyên gia hay các dịch vụ tốt ở địa phương; phần mềm quản lý và phát triển khách hàng LiveCRM; mạng xã hội kết nối hành khách với taxi, xe ôm, xe khách, xe vận tải; chương trình huấn luyện đội marketing tinh nhuệ; mạng xã hội chia sẻ danh thiếp Shanaca; trung tâm thời trang online; hệ thống kết nối nhu cầu thông minh.
Trong số các Dự án khởi nghiệp được công nhận lần này khá ấn tượng có Dự án ứng dụng công nghệ thông tin phân loại rác đầu nguồn. Ông Bùi Thiên Hà, thành viên Dự án cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin là một bài toán xã hội cần thiết cho các đô thị bởi xem xét lượng rác thải của hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM thì lượng rác lần lượt là 5.600 tấn/ngày và 8.300 tấn/ngày, do vậy khi phân loại rác đầu nguồn sẽ tạo thói quen văn minh trong việc phân loại rác cho người dân.
Doanh thu dự kiến của Dự án này sẽ đạt khoảng 36 tỷ năm 2018, 47 tỷ năm 2019 và lên tới 65 tỷ năm 2020.
Hay như Dự án ứng dụng giáo dục dễ phục vụ cho các học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 hướng tới hơn 22 triệu học sinh và hơn 1 triệu thầy cô. Tuy nhiên, thị trường dạy học E-learning còn khá mới và ít sản phẩm trong khi đó theo báo cáo của Tổ chức giáo dục Decobo thị trường E-learning Việt Nam đạt 50 triệu USD năm 2016 đồng thời tăng trưởng 40%/năm. Do đó Dự án này sẽ đẩy nhanh việc truyền thông và marketing để chiếm lấy thị phần. Dự kiến sản phẩm dịch vụ học dễ sẽ dành được khoảng 10% thị phần tại Hà Nội (nếu được hỗ trợ bởi TP. Hà Nội) và 5% tại Việt Nam.