Hãy vì hơn 60 triệu nông dân mà hành động!
“Trong khi hàng triệu nông dân điêu đứng, phá sản, khóc ròng vì phân bón giả, phân bón kém chất lượng thì hàng ngày, hàng nghìn tấn phân bón loại này vẫn được tuồn ra thị trường” – ông Trần Hùng – Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) bức xúc nói trong cuộc họp với lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và cho biết, cùng với các lực lượng chức năng, QLTT sẽ nỗ lực hơn nữa để “làm sạch” thị trường phân bón trong cả nước.
Hàng nghìn vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý
Phát biểu trong cuộc họp bàn giải pháp phối hợp quản lý, kiểm tra, xử lý nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, ông Trần Hùng thông báo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương, trong năm 2017, lực lượng QLTT cả nước đã phối hợp với các cơ quan chức năng (Công an, Thanh tra thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Tiêu chuấn Đo lường Chất lượng…) tiến hành 3 đợt cao điểm kiểm tra việc chẩp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vô cơ trong cả nước.
Cục QLTT cũng đã tham mưu trình lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành văn bản số 6264/BCT-QLTT ngày 13/7/2017 yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, tập trung kiêm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.
“Trong 3 đợt kiểm tra trong năm 2017, lực lượng QLTT đã kiểm tra 2.537 vụ; xử lý 1.091 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính gần 8,6 tỷ đồng; tịch thu, tiêu huỷ hàng chục nghìn tấn phân bón giả” – ông Hùng thông báo và cho biết thêm, lực lượng chức năng cũng đã chuyển cơ quan Công an điều tra xử lý một số vụ có dấu hiệu tội phạm.
Cũng qua công tác kiểm tra, xử lý trong năm 2017 của lực lượng QLTT, ông Trần Hùng cho biết, lực lượng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt, với danh mục hơn 14 nghìn sản phẩm phân bón đang được phép lưu thông thì việc lấy mẫu, gửi kiểm định mẫu rất phức tạp. Hơn thế, công tác này cần có kinh phí, trong khi kinh phí cấp cho các Chi cục QLTT rất hạn chế, gây ảnh hưởng lớn đến việc lấy mẫu, thử nghiệm để có kết quả phục vụ cho công tác xử lý.
Kiên quyết lập lại trật tự thị trường phân bón
Lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vô cơ nhưng “vì sao vẫn thấy những thông tin, như: “Nông dân khóc dòng”, “nông dân điêu đứng” hay “nông dân phá sản” vì phân bón giả, phân bón kém chất lượng?” – Đặt câu hỏi và tự trả lời, ông Hùng thẳng thắn, ngoài những lý do “mạn tính” như thiếu kinh phí, mỏng lực lượng, yếu trang thiết bị, thiếu cơ chế, chế tài… thì một trong số những nguyên nhân trọng yếu là các lực lượng chức năng thiếu kiên quyết, buông lỏng quản lý, thậm chí có hiện tượng cán bộ “nhắm mắt làm ngơ, tiếp tay và bảo kê” cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Dẫn vụ việc sản xuất phân bón giả bị phát hiện tại Công ty Thuận Phong, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, ông Trần Hùng bức xúc, rằng chứng cứ đã rõ ràng, hành vi vi phạm đã được nhiều cơ quan trung ương, địa phương kết luận nhưng mấy năm vẫn không được xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, vị đại diện Cục QLTT cho rằng, việc phát hiện, điều tra, đấu tranh với một doanh nghiệp cụ thể như Thuận Phong là quan trọng, song quan trọng hơn thế là qua vụ việc này, các cơ quan chức năng đã nhìn nhận và kết luận đã có những bất cập, sơ hở. Vì vậy, Cục QLTT, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã có ý kiến tham cho Chính phủ và kết quả là ngày 20/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, trong đó có nội dung hết sức quan trọng là chỉ giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm quản lý chính về sản xuất phân bón, cụ thể Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNN).
“Khung khổ pháp lý, chế tài xử lý đã cơ bản đầy đủ; các cơ quan chức năng cũng đã được kiện toàn về nhân lực, đầu tư về vật lực… Lúc này, điều mà hơn 60 triệu nông dân trông chờ là sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan chức năng” – ông Trần Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tái khẳng định, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trong sản xuất nông nghiệp là hết sức nghiêm trọng và hậu quả là nông dân “tay trắng”.
“Trách nhiệm không chỉ của Bộ Công Thương mà Bộ NN&PTNT cũng ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình trong quản lý ngành sản xuất, kinh doanh phân bón” – ông Trung nói và cho biết, hiện cả nước có 14.174 sản phẩm phân bón, trong đó, phân bón vô cơ chiếm 94,7%, còn lại là phân bón hữu cơ. Ngoài ra, hiện có 735 nhà máy sản xuất phân bón vô cơ với công suất đạt 29,5 triệu tấn, thêm khoảng 4 triệu tấn phân bón vô cơ nhập khẩu (chưa tính khoảng 2 triệu tấn phân bón hữu cơ sản xuất trong nước), như thế, khối lượng công việc quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng là rất lớn.
Tuy nhiên, theo ông Trung, trước thực trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, trong thời gian nhanh nhất phải thiết lập lại, lành mạnh hoá thị trường phân bón trong nước, đảm bảo các sản phẩm phân bón đến tay người nông dân là những sản phẩn chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường.
“Với khoảng 700 cán bộ, công chức, viên chức thuộc Cục Bảo vệ thực vật và trên 6.500 cán bộ tại 63 Chi cục, trên 670 trạm Bảo vệ thực vật tại các quận, huyện trong cả nước được giao trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành, cùng với lực lượng QLTT, chúng tôi sẽ nỗ lực kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, làm trong sạch thị trường phân bón trong thời gian tới” – Ông Hoàng Trung quả quyết.
Tin tưởng rằng, với sự quyết liệt của hai Bộ Công Thương và NN&PTNT mà trực tiếp là Cục QLTT và Cục Bảo vệ thực vật, trong thời gian tới, thị trường phân bón trong nước sẽ được đi vào nền nếp hơn.