Kết nối để đảm bảo an toàn thực phẩm
Đó là nội dung của Hội nghị kết nối chuỗi hành động vì an toàn thực phẩm để hội nhập do Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM phối hợp với Câu lạc bộ DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP.HCM ngày 21/12.
Theo các chuyên gia, mặc dù có tiềm năng để sản xuất thực phẩm sạch nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Tình trạng này không chỉ làm mất lòng tin của người tiêu dùng, gây khó khăn cho các DN mà còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt trong hội nhập.
Năm 2017, kim ngạch XK rau, củ, quả của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD. Kim ngạch XK tăng ấn tượng trong bối cảnh diện tích sản xuất nông sản ngày càng thu hẹp đã cho thấy các DN và bà con nông dân hoàn toàn có thể sản xuất sản phẩm nông sản sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù vậy, tại thị trường nội địa, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo bà Nguyễn Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, nguyên nhân được xác định, tâm lý người sản xuất vẫn ưu tiên XK sản phẩm tốt, sạch. Sản phẩm lỗi và kém an toàn thì phân phối tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, chế tài xử lý các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa chặt chẽ. Một bộ phận lớn người tiêu dùng vẫn chuộng hàng giá rẻ khiến các DN sản xuất thực phẩm sạch gặp không ít khó khăn.
Từ góc độ DN, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, nông sản sạch chưa có nhiều dù Việt Nam có tỷ trọng nông nghiệp lớn nhất nhì thế giới. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến cơ chế chính sách, quản lý nhà nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là người tiêu dùng chưa có lòng tin vào thực phẩm sạch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các DN trong quá trình phân phối sản phẩm ra thị trường.
Do vậy, một trong những giải pháp hiệu quả đẩy lùi thực phẩm bẩn là các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ thị trường không để thật, giả lẫn lộn, có chế tài nghiêm khắc trong xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm để người tiêu dùng có lòng tin vào các sản phẩm an toàn. Sản xuất thực phẩm hữu cơ thì khó chứ sản xuất thực phẩm sạch thì không khó. Chỉ cần người nông dân trồng trọt theo đúng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là sẽ có sản phẩm an toàn.
Theo Bà Nguyễn Khánh Phong Lan, đối với trình độ của Việt Nam thì sản xuất hữu cơ còn khó, tuy nhiên sản xuất sạch không chỉ liên quan đến ngành nông nghiệp mà còn liên quan đến nhiều ngành do nước ta đang trước thảm hoạ về môi trường, lối sống công nghiệp. Việc hướng dẫn người nông dân sản xuất đúng quy trình về an toàn thực phẩm là chưa đủ vì khi sản phẩm lưu thông ra thị trường vẫn còn kẽ hở để các đối tượng cố tình vi phạm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để trục lợi.
Để giải quyết tình trạng trên, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, trong đó có việc thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm nhằm tập trung nguồn lực quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố để giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Với 250 thanh tra viên, Ban đã bố trí cán bộ xuống tận quận huyện để giám sát chặt chẽ các hệ thống cung cấp thực phẩm. Đồng thời, bố trí hệ thống giám sát 24/24 tại các chợ đầu mối thực hiện kiểm tra nhanh các mẫu sản phẩm nhập chợ để đánh giá nguy cơ, xử phạt ngay các vi phạm. Tuy nhiên, giải pháp này cũng mới chỉ quản lý được các nguồn thực phẩm từ cửa ngõ thành phố.
Theo bà Lan, hiện nay các nước tập trung quản lý theo các tiêu chuẩn quy chuẩn, có hệ thống kiểm nghiệm, kiểm tra, kiểm soát nhưng Việt Nam thì vẫn loay hoay tìm đầu ra cho mô hình quản lý an toàn thực phẩm vì dù quản lý theo chiều dọc hay chiều ngang cũng còn nhiều bất cập. Về chế tài xử lý, trong vòng 2 năm qua, không có vụ nào bị khởi tố vì vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, ngoài việc DN và người nông dân tự xoay sở sản xuất sạch thì cần có thêm vai trò hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc xúc tiến quảng bá, chứng nhận cũng như kết nối sản phẩm an toàn ra thị trường trong và ngoài nước. Do vậy Hội hàng Việt Nam chất lượng cao đã ký kết với các cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế thực hiện giải pháp đồng thừa nhận. Theo đó, những sản phẩm của các DN được hội chứng nhận đạt chuẩn hội nhập cũng sẽ được các cơ quan chức năng quản lý của các tỉnh thành, các tổ chức quốc tế… đồng chứng nhận. Giải pháp này giúp DN giảm chi phí khi thực hiện chứng nhận sản phẩm liên quan đến quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu rủi ro trong XK cũng như tăng cường nhận diện tại thị trường nội địa.