Kiếm 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ học trồng dâu tây trên Internet
Mày mò cách trồng dâu tây thủy canh trên Internet và tự dịch tài liệu tiếng Anh, lão nông thu về 5 tỷ đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, ông Nguyễn Thanh Trúc đã gắn bó với nghề nông hơn 30 năm. Trước đây, ông trồng hoa cúc, ớt... song giá bán bấp bênh, lợi nhuận thu về không cao. Ngay cả khi thành công với dâu tây, ông cũng từng lao đao khi dâu tây Đà Lạt phải cạnh tranh gay gắt với loại quả giá rẻ Trung Quốc trà trộn vào năm 2014.
"Tôi không từ bỏ, vì tôi nghĩ mình đã dám đầu tư tiền tỷ vào mô hình này thì phải kiên trì cho đến khi mang lại hiệu quả", ông Trúc nói. Lão nông không chỉ dồn toàn bộ vốn liếng dành dụm của hai vợ chồng vào vườn dâu này, mà còn bỏ không ít tâm sức để mày mò kỹ thuật trồng thủy canh bằng tiếng Anh qua Internet.
Ông Trúc bên vườn dâu tây thủy canh
Trồng thủy canh không hồi lưu (thủy canh tĩnh) chỉ sử dụng xơ dừa làm giá thể, đặt cách mặt đất ít nhất 1m. Toàn bộ chất dinh dưỡng được cung cấp trực tiếp qua nguồn nước nhập về từ Isarel, Đức, Hà Lan… Thay vì chọn giống dâu Nhật, Mỹ hay Pháp như các vườn khác, ông Trúc trồng thử nghiệm giống dâu New Zealand cho quả to hơn và thơm.Được người em trai gợi ý và hỗ trợ, đầu năm 2013, vợ chồng ông Trúc quyết định trồng thử 500m2 dâu tây để cải thiện kinh tế. Khi đó, Đà Lạt đã có nhiều nông dân trồng dâu tây thành công, hai phương pháp phổ biến là dùng đất và giá thể xơ dừa. Tuy nhiên, ông Trúc lại quyết định theo đuổi phương pháp thủy canh cho sản phẩm sạch và năng suất cao.
Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu tiên, những cây dâu đang lên mắc bệnh. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đầu tư mà vợ chồng gom góp được từ khi ra ở riêng có nguy cơ đổ sông bỏ bể. Áp lực trắng tay khiến đầu ông Trúc bạc hơn nửa.
“Cái khó nhất là phải điều chỉnh lượng dinh dưỡng hợp lý, nếu không sản lượng không cao, dâu cũng không ngon”, ông Trúc nhớ lại.
Không thấy khó mà nản, ông Trúc tìm tài liệu cách trồng dâu New Zealand qua Internet. Em trai ông, một người trồng thành công dâu tây theo phương pháp thủy canh chuyển cho ông tài liệu hướng dẫn kỹ thuật do người bạn từ Mỹ gửi về. Để hiểu tài liệu, ông Trúc chịu khó tra từ điển suốt 6 tháng. Cuối cùng, ông cũng chinh phục được loại dâu nhập ngoại này.
500m2 đầu tiên của ông Trúc cho năng suất cao gấp đôi cách trồng thông thường. Ngoài ra, chất lượng dâu ngon, ngọt, thơm và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên bán được giá từ 180.000 đến 250.000 đồng mỗi kg. Giữa năm 2013, ông Trúc mạnh dạn nhân rộng diện tích vùng trồng dâu tây lên 4.000m2. Đầu ra ổn định, dâu tây sạch của ông được nhiều siêu thị và cửa hàng đặt mua.
Song đến giữa năm 2014, thị trường bất ổn, dâu Trung Quốc trà trộn vào và đội lốt dâu Đà Lạt khiến giá giảm mạnh. Chi phí bỏ ra nhiều mà thu về ít, nông dân lỗ nặng. Tuy nhiên, ông Trúc vẫn quyết bám vườn dâu. Tới cuối năm 2014, giá tăng lại khoảng 200.000-250.000 đồng mỗi kg không phụ lòng người trồng trọt.
Bên cạnh đó, ông Trúc còn mở cửa cho khách du lịch đến tham quan miễn phí và mua dâu tây tại vườn để quảng bá sản phẩm. Gia đình bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không thông qua thương lái, giảm được chi phí trung gian.
Hiện vườn dâu có sản lượng khoảng 30 tấn mỗi năm, mang về thu nhập 5 tỷ đồng cho gia đình ông Trúc. Thị trường tiêu thụ ban đầu ở Lâm Đồng, sau đó mở rộng ra TP HCM, Huế, Hà Nội.