Lạc quan với kết quả xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2017 đạt 97,7 triệu USD, tăng 18,8%, là mức tăng cao so cùng kỳ của năm 2016 (cùng kỳ tăng 5,9%) do tăng được cả về giá (chủ yếu là nhóm nhiên liệu và nông sản) và về lượng (nhóm công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản); và tăng cao qua các tháng
Điểm sáng của xuất khẩu năm nay, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có mức tăng trưởng rất cao. Sáu tháng tăng 40,2% với KNXK đạt 2,29 tỷ USD và tăng ở tất cả các mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, nổi bật là than đá (tăng 326%), dầu thô (tăng 36,2%), xăng dầu các loại (31,2%) do chủ yếu do giá xuất khẩu các mặt hàng tăng cao, đặc biệt là than đá có sự tăng trưởng đột phá cả về lượng xuất khẩu.
Thứ hai, nhóm hàng công nghiệp chế biến 6T tăng cao ở mức 19,1% với KNXK đạt 78,56 tỷ USD. Trong đó: Ghi nhận sự tăng trưởng cao và ổn định của các ngành nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn có quy mô xuất khẩu lớn đã đóng góp vào mức tăng chung của nhóm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện, giầy dép. Xuất khẩu gỗ đã lấy lại đà tăng trưởng cao của những năm trước đây, đạt 3,66 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2016 (năm 2016 chỉ tăng 1,1%). Một trong những nguyên nhân đóng góp cho sự gia tăng XK là đồ gỗ Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá giúp các đơn hàng từ Hoa Kỳ dịch chuyển sang các nước xuất khẩu gỗ ở khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Do vậy, có nhiều cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam vào thị trường này ở phân khúc đồ gỗ nội thất.
Thứ ba, nhóm hàng nông, lâm - thủy sản: 6T tăng 16,7% với KNXK đạt 12,1 tỷ USD, trong đó nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm rau quả (tăng 43,5%) và thủy sản (tăng 16,7) với KNXK tăng cao hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ, và sự gia tăng xuất khẩu trở lại của mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo sau một thời gian khá dài gặp khó khăn nhờ sự gia tăng xuất khẩu trở lại vào các thị trường truyền thống của Việt Nam như Malaysia, Bangladesh ,Trung Quốc.
Đóng góp vào thành công về tăng trưởng của nhóm hàng nông lâm thủy sản là do công tác phát triển và mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ kết quả của các đoàn ngoại giao cấp cao nước ta thời gian qua. Chẳng hạn, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Úc (vải, xoài),...
Về thị trường xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường đều cao, đặc biệt là các thị trường có FTA với Việt Nam như xuất khẩu sang ASEAN đạt 10,47 tỷ USD, tăng 27,7% (cùng kỳ năm 2016 giảm 12,6%); Hàn Quốc đạt 6,6 tỷ USD, tăng 28,6% (cùng kỳ năm 2016 giảm 1,3%), Trung Quốc đạt 13 tỷ USD, tăng 42,9% (cùng kỳ năm 2016 tăng 14,3%); Nga đạt 1 tỷ USD, tăng 34,4%. Điều này thể hiện chủ trương đa dạng hoá thị trường xuất khẩu đã tích cực phối hợp triển khai trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả nhất định, đóng góp quan trọng vào việc duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, xuất khẩu 6T/2017 vẫn còn điểm đáng lưu ý đó là: Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ đạo (72,1%) và có mức tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước, tăng 20,4% (kể cả XK dầu thô).
Trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ thu đông xuất khẩu. Nhập khẩu máy móc thiết bị đã tăng rất cao trong những tháng đầu năm do việc giải ngân của một loạt các dự án nên sẽ giảm dần trong những tháng cuối năm. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; Tăng cường công tác thông tin thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường; tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các hàng rào về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản; Tiếp tục tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới…