Làn sóng sản xuất sạch đang lan nhanh trong ngành nông nghiệp
Sản xuất sạch đang là hướng đi được nhiều DN, hợp tác xã và nông dân lựa chọn với mong muốn đảm bảo được đầu ra bền vững cho nông sản trong bối cảnh thị trường ngày càng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những ngày này, các thành viên hợp tác xã xoài Suối Lớn (Đồng Nai) đang chuẩn bị cho mùa xoài cuối năm 2017. Cách đây không lâu, hợp tác xã cũng đã hoàn tất việc lấy chứng nhận vùng nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Úc, qua đó mở đường cho trái xoài Suối Lớn thâm nhập vào thị trường này. Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX Suối Lớn cho biết, với các chứng nhận VietGap, Global Gap, thị trường của trái xoài Suối Lớn cũng được mở rộng hơn rất nhiều. Những năm qua, trái xoài Suối Lớn đã được các doanh nghiệp thu mua, chế biến sau đó xuất khẩu đi nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và sắp tới là xuất khẩu xoài tươi sang Úc. Chính điều này đã trở thành động lực giúp người nông dân yên tâm và tin tưởng đi theo quy trình sản xuất sạch.
Tương tự như trái xoài của HTX Suối Lớn, việc trồng tiêu theo hướng hữu cơ đã mang lại cho các thành viên của HTX hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận nhiều hiệu quả lớn. Ông Đào Duy Hải, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận chia sẻ, HTX đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình canh tác hữu cơ từ 3 năm trước. Hiện sản phẩm hồ tiêu của HTX đã đạt nhiều chứng nhận như Euro Gap, Global Gap, USDA… Đặc biệt, cuối năm 2016 vừa qua, HTX đã được chứng nhận là HTX hồ tiêu sinh thái. Ông Hải cho hay, trước đây, việc sản xuất hồ tiêu theo cách thức thông thường luôn mang lại năng suất rất cao, có thể lên tới 7 tấn/ha. Song, sau thời gian dài ép năng suất đã khiến cây tiêu suy yếu, dẫn tới nguy cơ bị nhiễm bệnh cao, thậm chí có thể chết hàng loạt. Do đó, ông Hải cùng các thành viên ban chủ nhiệm HTX đã vận động các nông dân tham gia sản xuất hồ tiêu hữu cơ với mong muốn đảm bảo sự phát triển bền vững cho cây hồ tiêu. Theo đó, các thành viên tham gia HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn kỹ thuật của bộ phận kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của ban kiểm soát môi trường của HTX. Việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ không cho năng suất cao như trước, chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha. Tuy nhiên, ông Hải cho hay, chính người nông dân là người được hưởng lợi đầu tiên từ hướng canh tác này. Người nông dân không phải tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, giúp tránh được các nguy cơ về sức khỏe, thêm vào đó, cây hồ tiêu ít bị sâu bệnh, năng suất được duy trì ổn định.
Theo ông Hải, sau một thời gian triển khai, nông dân cũng thấy được những lợi ích lâu dài của việc sản xuất hữu cơ, do đó, HTX đang chuẩn bị kết nạp thêm các xã viên mới, giúp mở rộng thêm diện tích. Đây là một tín hiệu đáng mừng về sự lan tỏa của hình thức canh tác bền vững trong nông dân. Hiện sản phẩm của HTX đã được các công ty thu mua và xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…
Ông Võ Đình Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Phước cũng cho biết, từ năm 2013 đến nay, trung tâm đã tổ chức liên kết với nông dân thực hiện dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance của Mỹ. Đến nay, dự án đã thu hút 600 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 300 ha. Theo ông Khánh, liên tục suốt 5 năm qua, toàn bộ sản lượng hồ tiêu (trên 1.000 tấn) sản xuất ra đều được DN bao tiêu toàn bộ với mức giá luôn cao hơn so với giá thị trường. “Các nông hộ đều rất phấn khởi và ủng hộ dự án, qua đó đã khuyến khích nông dân có ý thức hơn về việc kiểm soát và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu trong việc sản xuất tiêu chứng nhận” - ông Khánh chia sẻ. Trong năm nay, dự án dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên 1.000 hộ.
Vào cuối năm 2016, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cùng với Câu lạc bộ các DN sản xuất kinh doanh hạt điều cũng đã đưa ra tuyên bố chất lượng với tiêu chí "5 không" và "3 có". Trong đó, “5 không” là không sử dụng hương liệu trong chế biến; không có sản phẩm biến đổi gen; không nấm mốc; không nhiễm khuẩn, sâu mọt; không sử dụng lao động cưỡng bức. Còn “3 có” là sản phẩm có màu sắc tự nhiên; có mùi vị đặc trưng; có giá trị dinh dưỡng cao. Cùng với đó, VINACAS cũng vận động các DN liên kết với các chủ trang trại, câu lạc bộ, hợp tác xã trồng điều sạch, điều hữu cơ… Theo cam kết của VINACAS, ngay từ năm 2016, 100% sản phẩm của các thành viên VINACAS đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhận thấy những lợi ích lâu dài của việc sản xuất sạch, nhiều hợp tác xã trồng điều tại Bình Phước, Đồng Nai cũng đang chuyển đổi sang mô hình sản xuất điều sạch hữu cơ. Một số doanh nghiệp cũng quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, trồng điều sạch hữu cơ để xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài có nhu cầu. Ngoài ra, với sự hỗ trợ dự án của Pháp, tỉnh Bình Phước đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều của địa phương để giúp nổi bật những giá trị khác biệt, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho hạt điều Bình Phước, đem lại thu nhập ngày càng cao cho bà con nông dân trồng điều.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với các phương thức canh tác đạt các chứng nhận an toàn như VietGap, Global Gap…, thời gian qua, diện tích nuôi trồng hữu cơ ở Việt Nam ngày càng gia tăng đáng kể. Hiện nhiều DN trong nước đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Trong đó, một số sản phẩm đã tiếp cận với thị trường thế giới như chè, rau củ quả, gia vị, tinh dầu... Một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả có thể kể đến như rau hữu cơ PGS Thanh Xuân (Hà Nội), Tân Lạc (Hòa Bình); Ecolink-Ecomark xuất khẩu chè Shan Tuyết sang thị trường châu Âu; mô hình nông nghiệp Organic ở Đà Lạt; mô hình nuôi bò sữa Văn Trác; dược liệu TH Herbals; phân hữu cơ Humat TE đạt chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn Mỹ… Hiện nghị định về quản lý sản xuất nông nghiệp hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ thông qua. Đây được coi là một bước tiến mới về hành lang pháp lý cho việc phát triển nông nghiệp an toàn, qua đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa đối với hình thức sản xuất an toàn tại Việt Nam.
Có thể thấy, một làn sóng sản xuất sạch đang lan rộng nhanh chóng trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Với nhiều loại nông sản đặc trưng, thơm ngon, việc sản xuất sạch giúp đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sẽ mở ra cơ hội cho những sản phẩm này khẳng định vị thế tại thị trường trong nước, không những giữ vững những thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn hướng tới việc gia tăng xuất khẩu một cách bền vững vào những thị trường mới, khó tính trên thế giới.