Liên kết để tiêu thụ nông sản an toàn
Trước nhu cầu về nông sản an toàn của người dân, các DN nông nghiệp ngày càng muốn tìm ra những giải pháp để tiếp cận sâu hơn tới người tiêu dùng. Vì thế, việc liên kết, kết nối giữa các DN để tạo thành mạng lưới tiêu thụ là cần thiết.
Tại Hội nghị “Kết nối cung cầu tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn TP.Hà Nội” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP.Hà Nội phối hợp với Nhóm dự án hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn (Jica) tổ chức vào ngày 18/8 tại Hà Nội, các DN đã có cơ hội để kết nối với nhau, tìm kiếm cơ hội liên kết.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội cho biết, sản lượng rau của Thành phố chỉ đáp ứng 60% nhu cầu của người tiêu dùng, còn lại 40% phải nhập từ các địa phương khác. Do đó, người dân và các DN đều cần cơ chế để phối hợp, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân.
Cũng về vấn đề này, theo đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP.Hà Nội, các sản phẩm nông sản nhập từ các địa phương khác về Hà Nội chủ yếu do các thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối (chiếm 75-80%), sau đó mới chuyển đi các chợ dân sinh, cửa hàng bán thực phẩm, các bếp ăn… do vậy, công tác quản lý chất lượng nông sản còn rất khó khăn.
Mặc dù, Hà Nội đã đẩy mạnh các giải pháp, quan tâm nhiều hơn đến sản xuất và tiêu thụ rau an toàn như: hỗ trợ người sản xuất, DN về kỹ thuật, bao bì, minh bạch thông tin, truy suất nguồn gốc… nhưng vẫn cần những cách làm mới để đảm bảo chất lượng, kết nối phân phối sản phẩm.
Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vietrap cho biết, đơn đặt hàng của người tiêu dùng luôn có nhưng vấn đề là DN khó tìm được nhà sản xuất, hộ nông dân đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng. Bởi nghịch lý là số lượng hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất thực phẩm an toàn đã có nhiều, nhưng để thực sự đáp ứng được yêu cầu của khách hàng vẫn rất ít, họ vẫn chưa biết cách thỏa thuận để giá cả hợp lý, cách thức vận chuyển hay đóng gói bao bì… Chưa kể, DN phân phối sản phẩn nông nghiệp vẫn chưa có quy chế bảo vệ khi người nông dân phá vỡ hợp đồng, pháp luật vẫn đang bảo vệ người nông dân nhiều hơn.
Vì thế, để giúp các DN tăng cường khả năng kết nối, cung ứng sản phẩm, các chuyên gia cho rằng, nhà sản xuất rau an toàn cần xác định được nhu cầu của khách hàng thông qua trao đổi trực tiếp, thiết lập trước hệ thông với người tiêu dùng rồi mới sản xuất theo nhu cầu. Qua đó, không những đảm bảo nguồn hàng tốt hơn mà tránh được tình trạng được mùa mất giá hoặc bị tư thương ép giá.
Do đó, tại hội nghị, các DN đã được kết nối, làm việc với nhau thông qua trao đổi bàn tròn; được nghe chia sẻ kinh nghiệm sản xuất rau an toàn, nông sản sạch từ các chuyên gia nước ngoài. Các DN đều đánh giá, đây là cơ hội tốt để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác theo nhu cầu, bởi hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, nhất là với nhiều DN mới tham gia vào thị trường.