Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Loay hoay giảm phụ thuộc nhập khẩu ngô

Ngô hiện đang là 1 trong 10 mặt hàng nông sản mà Việt Nam NK nhiều nhất. Nếu không nhanh chóng nâng cao năng suất đáp ứng nguồn ngô thiếu hụt, dự kiến việc chi hàng tỷ USD để NK ngô còn tái diễn lâu dài.

 

Nhập khẩu tăng hơn 11%

Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm, NK ngô đạt 4,13 triệu tấn, giá trị 825 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng hơn 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Argentina và Brazil là hai thị trường NK ngô chính trong nửa đầu năm, chiếm lần lượt là 49,5% và hơn 15% tổng giá trị NK. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, NK ngô từ thị trường Thái Lan tăng mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm ngoái với các mức tăng lần lượt là 14,9 lần và 3,54 lần.

Trên thực tế, những năm gần đây, việc chi hàng tỷ USD mỗi năm để NK ngô đã không còn là chuyện lạ. Gần nhất, trong năm 2016, Việt Nam bỏ ra hơn  1,6 tỷ USD để NK 8,3 triệu tấn ngô về phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Lý giải cho nghịch lý, là nước nông nghiệp mà Việt Nam vẫn đều đặn phải chi ngoại tệ để NK ngô, ông Trần Xuân Định, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Diện tích trồng ngô của cả nước hiện dao động khoảng hơn 1 triệu ha, tuy nhiên do địa hình khó khăn, điều kiện canh tác không thuận lợi dẫn tới năng suất trung bình còn khá thấp, chỉ ở mức 4,6 tấn/ha.

Tổ chức Croplife dự báo: Thời gian tới, nhu cầu về thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, cùng với đó nhu cầu NK ngô cũng theo đà đi lên, bởi lượng sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Dự báo, đến năm 2020, mức tiêu thụ ngô toàn cầu sẽ khoảng 1.074 triệu tấn (năm 2016 là 1.021 triệu tấn), trong đó châu Á và châu Phi sẽ tăng 20%. Với năng suất hiện tại (năm 2016, thế giới sản xuất được khoảng khoảng 1.040 triệu tấn ngô), đến năm 2050, sản xuất ngô thế giới sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung ngô sẽ không còn dư thừa để XK sang các thị trường còn thiếu như châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tập trung tăng năng suất

Một số chuyên gia đánh giá, với điều kiện hiện tại, nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu hụt ngô nội tại, bên cạnh việc thất thoát ngoại tệ, về lâu dài Việt Nam có thể còn rơi vào tình trạng “có tiền cũng khó mua nổi ngô”. Giải pháp quan trọng lúc này là gia tăng năng suất trên diện tích sẵn có để gia tăng sản lượng, thông qua việc đẩy mạnh giống ngô biến đổi gen. Các giống này sẽ hạn chế tối đa hư hại năng suất sâu hại, cỏ dại, đồng thời giảm chi phí đầu vào cũng như các tác động tiêu cực lên môi trường.

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam bày tỏ ý kiến: Là nước nông nghiệp mà Việt Nam phải NK không chỉ ngô mà nhiều mặt hàng khác như khô dầu đậu tương, phụ gia, kháng sinh, vitamin... về sản xuất thức ăn chăn nuôi là điều khá bức xúc. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đơn giản nhưng nghiên cứu trong nước cũng chưa đáp ứng nổi. Với riêng cây ngô, nên thúc đẩy phát triển nhiều hình thức, đặc biệt là loại ngô biến đổi gen. Đây là cách mà nhiều quốc gia như Mỹ, Argentina… đã làm. Các quốc gia đó không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu ngô trong nước mà còn XK sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, để từng bước giảm phụ thuộc NK ngô, ngoài tập trung đưa vào sản xuất các giống ngô mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng, đặc biệt giảm bớt diện tích trồng lúa và tăng diện tích trồng ngô đã được tiến hành tại nhiều địa phương trên cả nước và thu về những kết quả tích cực bước đầu. Vùng ĐBSCL được xác định là vùng trọng tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tăng sản lượng một số nông sản thị trường trong nước cần, nhất là ngô.

Bộ NN&PTTN định hướng đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 700-800 nghìn ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng hàng năm khác, trong đó xác định cây ngô là cây trồng chuyển đổi chủ lực. Hiện nay, bộ này đã và đang hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi chi tiết, xác định rõ vùng, vụ chuyển đổi tập trung; cải tạo hệ thống thủy lợi cho phù hợp chuyển đổi sang trồng cây màu; ưu tiên đầu tư và khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu xác định bộ giống, gói kỹ thuật, hệ thống máy móc cơ giới hóa đồng bộ cho chuyển đổi…

TAGS :