Muốn doanh nghiệp lớn, phải minh bạch
Theo các chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển, cần có các cơ chế minh bạch trong quản lý, xóa bỏ tình trạng xin - cho, liên tục thanh, kiểm tra.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, trong Hiến pháp và Luật doanh nghiệp đều ghi rõ quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. “Trong chiến đấu cần phải có quân đội mạnh, trong thời bình, xây dựng kinh tế cần nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân để tạo ra nhiều chuyển biến. Các nghị quyết, thông tư...đều thể hiện sự ủng hộ kinh tế tư nhân, tuy nhiên trong thực tế lại ưu đãi doanh nghiệp nhà nước, ưu đãi đầu tư nước ngoài (FDI), vì vậy kinh tế tư nhân không lớn lên được” - ông Doanh cho hay.
Theo ông Doanh, nguồn vốn đổ vào doanh nghiệp nhà nước quá nhiều, cơ chế xin - cho qua bộ này, bộ kia vẫn tồn tại. Điều quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân là phải hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Chẳng hạn, các tập đoàn Microsoft, Google... là lực lượng làm đổi mới, hiện đại hóa kinh tế nước Mỹ. Do vậy, điều cần thiết hiện nay là phải bảo đảm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, bảo vệ tài sản hợp pháp của người sở hữu, nhà đầu tư. “Nếu không có các khuôn khổ pháp lý bảo vệ tài sản hợp pháp của người kinh doanh thì doanh nghiệp tư nhân không dám...lớn, không muốn lớn, vì sẽ bị thanh tra nhiều, “thăm hỏi” nhiều làm cho chi phí càng lớn” - ông Doanh nói.
Hạn chế thanh, kiểm tra DN sẽ giúp DN có thời gian tập trung làm ăn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ông Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, Chính phủ cần cải cách thể chế, thực sự công khai minh bạch, từ bỏ các cơ chế xin - cho để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đất đai. “Bây giờ cách mạng công nghiệp 4.0, phải ủng hộ cái mới, khuyến khích sự sáng tạo, thay đổi. Không thể để xảy ra các vụ việc bức xúc như “Cà phê Xin chào”..., chụp mũ cho các doanh nghiệp tư nhân là suy thoái, tự chuyển biến... Có như thế mới gỡ bỏ rào cản, cải cách cho doanh nghiệp phát triển được” - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay.
Giảm thanh kiểm tra, xóa bỏ cơ chế xin - cho
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, từ trước đến nay không có công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Việc doanh nghiệp tư nhân bị thanh tra quá nhiều đến mức vừa rồi hội nghị với doanh nghiệp, Thủ tướng phải ra ngay văn bản thanh tra chỉ được 1 năm 1 lần.
“Bây giờ chỉ hy vọng thực hiện được như vậy. Thủ tướng đối thoại nhiều lần và rất hiểu những khó khăn của doanh nghiệp. Nhiệm kỳ trước đã cải cách hành chính nhưng đến giờ, nhiều vấn đề đưa ra nhưng vẫn chưa thực hiện. Các cơ quan Nhà nước vẫn không chịu thực hiện và doanh nghiệp vẫn khó, vẫn khổ. Lần này, có một chỉ thị riêng mong từ nay trở đi bớt được vấn nạn thanh tra, kiểm tra. Nghị quyết của Đảng có nói hay mấy mà không thực hiện được thì sẽ không tạo được niềm tin cho doanh nghiệp”, bà Chi Lan nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, một xã hội không nâng niu, không khuyến khích, không nâng đỡ sáng tạo thì xã hội đó khó phát triển. Với các cơ chế hiện nay, nguồn lực được phân bổ chủ yếu theo kiểu xin-cho, đặc biệt là nguồn lực tài chính, tài nguyên thiên nhiên, đất đai. Chính vì vậy, nhiều DN có ý tưởng, có sáng tạo nhưng không tích tụ được các nguồn lực, không hiện thực hóa được các ý tưởng và dẫn đến việc DN dù muốn cũng không lớn được.
Một rào cản khác khiến DN khó có thể phát triển mạnh chính là việc DN càng lớn, càng rủi ro cao. Chưa kể còn cạnh tranh không lành mạnh, sân trước sân sau đâu đó khiến cho người ta luôn thấy không an toàn và phải tìm đến các mối quan hệ thân hữu để tìm lấy sự bảo vệ. “Khi DN không có chiến lược kinh doanh dài hạn, từ việc tìm kiếm nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực đến không chú ý thiết lập mối quan hệ bạn hàng bền vững, thì làm sao lớn được. Chỉ có DN thân hữu họ có được nguồn lực, tiếp cận được nguồn lực, có chỗ dựa để yên tâm đầu tư nên họ mới có thể nhanh lớn”, ông Cung nói và cho rằng, cần thay đổi vai trò và cách thức, chức năng công cụ quản lý nhà nước. Cùng đó cần có biện pháp để những chỉ đạo của Thủ tướng được cấp dưới thực hiện nghiêm.
Lấy ví dụ về các chi phí vận tải đường bộ đang là gánh nặng với DN nhưng nếu có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành thì những chi phí bất hợp lý này có thể bị xóa bỏ, lãnh đạo CIEM cho rằng, bên cạnh việc đưa ra các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cần thực hiện xóa, giảm các thủ tục cản trở doanh nghiệp. “Điểm bất hợp lý hiện nay chính là vận chuyển hàng hóa từ Hải Phòng về Hà Nội cao hơn chi phí chuyển hàng từ Trung Quốc về. Vận tải hàng hóa từ Hải Phòng đi Nhật Bản chi phí cũng tốn gấp gần 6 lần từ Quảng Châu. Như vậy làm sao có sự cạnh tranh. Chúng ta hoàn toàn có thể cải cách thủ tục vận tải, thông quan, hoặc các chính sách liên quan để giảm phí cho doanh nghiệp”, ông Cung nói.
“Điểm bất hợp lý hiện nay chính là vận chuyển hàng hóa từ Hải Phòng về Hà Nội cao hơn chi phí chuyển hàng từ Trung Quốc về. Vận tải hàng hóa từ Hải Phòng đi Nhật Bản chi phí cũng tốn gấp gần 6 lần từ Quảng Châu. Như vậy làm sao có sự cạnh tranh. Chúng ta hoàn toàn có thể cải cách thủ tục vận tải, thông quan, hoặc các chính sách liên quan để giảm phí cho doanh nghiệp”. |
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương Nguyễn Đình Cung