Nâng cao hiệu quả thi hành án để cải thiện môi trường kinh doanh
Ngày 24/7, tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả thi hành án để cải thiện môi trường kinh doanh” tổ chức tại TP.HCM, các đại biểu Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự, cục thi hành án các địa phương, các văn phòng luật sư, doanh nghiệp (DN), các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để rút ngắn thời gian thi hành án dân sự, tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án cho biết, thi hành án dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Điều này giúp nâng cao hiệu quả thực thi của luật và các quy định góp phần bảo vệ các quyền hợp pháp của các cá nhân và tổ chức.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, kết quả thi hành án dân sự trên toàn quốc tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số vụ việc và tiền (tăng 2,20% về vụ việc và 9,86% về tiền), đã giải phóng được trên 30.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thực thi Luật sửa đổi Luật thi hành án dân sự năm 2008 (Luật số 64/2014/QH13) trong 3 năm trở lại đây đã phát sinh một số khó khăn và vướng mắc như thủ tục thực hiện không rõ ràng gây cản trở cho việc thi hành các vụ án dân sự, và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Theo báo cáo kinh doanh của Ngân hàng thế giới năm 2017, Việt Nam xếp hạng 69 và 125 trong các chỉ số "Thực thi hợp đồng" và "Giải quyết phá sản". Để cải thiện thứ hạng cũng như môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực này, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan phải rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng từ 400 ngày xuống còn 300 ngày trong năm 2017 và xuống dưới 200 ngày vào năm 2020; Rút ngắn thời gian giải quyết phá sản từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và xuống dưới 24 tháng vào năm 2020.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận, và đề xuất các giải pháp cụ thể giúp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng và giải quyết phá sản. Những đề xuất này sẽ góp phần đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, một trong những chỉ số đo lường môi trường kinh doanh có liên quan đến hoạt động của cơ quan tư pháp là chỉ số thực thi hợp đồng. Đó là chỉ số đo lường thời gian, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để giải quyết tranh chấp thương mại tính từ khi DN bắt đầu khởi kiện cho đến khi vụ việc được thi hành án xong.
Đưa ra một số ví dụ điển hình về bản án, quyết định của Tòa án có sai sót nghiêm trọng tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án, ông Lượng cho rằng, để cải thiện chỉ số thực thi hợp đồng, rất cần những giải pháp hiệu quả từ giai đoạn tiếp nhận đơn, xét xử đến giai đoạn thi hành án. Một hệ thống tòa án thi hành án dễ tiếp cận và công bằng là mong mỏi của người dân và DN. Chỉ khi bảo đảm thực thi hợp đồng, bảo vệ tài sản, quyền tài sản hiệu quả mới giúp cho các DN Việt Nam có được những lợi thế trong cạnh tranh
Đánh giá về việc thi hành án chậm, ảnh hưởng đến DN, Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng, theo khảo sát của các luật sư, có đến 45% bản án có thời gian thi hành án từ 18 tháng trở lên, vượt xa con số 150 ngày trung bình cho một vụ việc được thi hành án.
Phân tích các nguyên nhân khiến các bản án dân sự bị “ngâm lâu”, đại diện các Cục thi hành án dân sự các địa phương đều cho rằng có rất nhiều nguyên nhân.
Theo đại diện Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, thi hành án dân sự là hoạt động rất đặc thù, có nhiều khó khăn phức tạp. Mọi phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước mới chỉ là phán quyết trên giấy nếu không được tổ chức thi hành hoặc thi hành không đầy đủ trên thực tế. Hiện nay, quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực thi hành án dân sự có thể nói đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể hiệu quả công tác thi hành án. Trình tự thủ tục quá rườm rà, khó áp dụng một cách đầy đủ, chính xác. Trong khi tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải ban hành quá nhiều loại quyết định thông báo về thi hành án, trong đó có những trình tự thủ tục không cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Gấu, Cục trưởng Cục thi hành án tỉnh Long An cho biết, đơn vị này dồn hết sức để thi hành án trong điều kiện thiếu chấp hành viên. Mỗi chấp hành viên trung bình nhận giải quyết hơn 300 vụ thi hành án, nhưng tại những địa bàn trọng điểm thì mỗi chấp hành viên phải thực hiện đến 600 vụ việc thi hành án. Theo ông Gấu, với số lượng án phải thực hiện như vậy thì làm sao thực hiện được đúng thời gian thi hành án.
Theo ông Trần Hồng Quang, Cục trưởng Cục Thi hành án Hải Phòng, những yếu tố chi phối đến công tác thi hành án, đó là: thể chế chính sách pháp luật, chủ thể thi hành án, các đối tượng chịu sự tác động, từ các cơ quan tổ chức có liên quan. Trong đó, vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp. Thủ tục áp dụng cho người phải thi hành án quá nhiều, đặc biệt là thủ tục tống đạt thông báo thi hành án. Chỉ một sơ suất nhỏ, khiến đối tượng phải thi hành án khiếu nại sẽ kéo dài thời gian thi hành án.
Theo đại diện Tổng cục thi hành án dân sự, nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả thi hành án trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn vị đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả thi hành các vụ án dân sự. Đơn cử như công khai, minh bạch phân loại án có điều kiện thi hành và chưa có điệu kiện thi hành, áp dụng cơ chế một cửa đối với các thủ tục hành chính, và hỗ trợ trực tuyến trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.