Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Ngân hàng trước áp lực huy động vốn

 Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn VND giảm thêm 0,5%, kéo theo sự hưởng ứng của hàng loạt các ngân hàng thương mại, là động thái tích cực cho tăng trưởng tín dụng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề này có thể tạo phản ứng ngược cho các ngân hàng thương mại khi phải đứng trước áp lực lớn về nguồn vốn.

 

Áp lực lớn

Theo đánh giá về thanh khoản hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào kể từ sau tháng 5 sau khi có dấu hiệu căng thẳng cục bộ theo chu kỳ đến hết tháng 4. Tỷ lệ cho vay/ huy động (LDR) ước tính cả hệ thống tổ chức tín dụng là 87%, tăng 1,53 điểm % so với cuối năm 2016. Tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm ước tăng 6,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ là 10,2%). Bên cạnh đó, thanh khoản đang tiếp tục được hỗ trợ thêm do tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tăng trong bối cảnh giải ngân đầu tư ngân sách chậm (tính đến cuối tháng 5/2017 tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là 143 nghìn tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm).

Ngoài ra, thanh khoản còn được hỗ trợ khi NHNN đã tiếp tục tăng mua dự trữ ngoại hối, lên tới gần 42 tỷ USD, giúp nguồn cung vốn trên thị trường được dồi dào. Nhờ đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng không những ổn định mà còn giảm mạnh trong quý II. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lãi suất qua đêm bình quân đạt 1,47% trong tháng 6, giảm 3,24 điểm phần trăm so với cuối quý trước; lãi suất kỳ hạn một tuần cũng giảm xuống còn 1,84%.

Mặc dù có thanh khoản hỗ trợ, nhưng tăng trưởng huy động 6 tháng năm 2017 (6,1%) vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (10,2%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại tăng rất nhanh, đã tăng gần 8%. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại về tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu vốn vay. Chính vì thế, theo đánh giá của các chuyên gia, động thái điều chỉnh giảm nhiều loại lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của NHNN là giải pháp hợp lý; bởi nếu NHNN điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động như thông thường thì sẽ khiến dòng tiền có nguy cơ chảy sang các kênh tài chính khác có lợi hơn như vàng, ngoại tệ, chứng khoán… gây khó khăn cho tình hình huy động vốn khi tình hình này đang không được khả quan.

Giải tỏa

Một nhận xét thường thấy của các chuyên gia về hệ thống ngân hàng là hệ thống này đang phải gánh trên vai quá nhiều áp lực về nguồn vốn và huy động vốn. Theo đó, một mặt ngân hàng đang phải huy động vốn để cung ứng cho nền kinh tế, khu vực này đã phải cung ứng tới 68,1% nhu cầu vốn trong năm 2016 và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm 2017; mặt khác hệ thống ngân hàng phải huy động vốn để đáp ứng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với Thông tư này, vào năm 2018 sắp tới, tỷ lệ này giảm xuống còn 40%.

Do đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, lãi suất cần được giữ ổn định bởi lạm phát và thanh khoản ngân hàng đều có dấu hiệu “bấp bênh” từ nay tới cuối năm. Về lạm phát, mặc dù ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm nhưng trong nửa còn lại của năm 2017 có thể tăng khi vào mùa cao điểm cuối năm. Đây là thời điểm cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm đã qua, nếu người dân không tái sàn thì lượng cung vào cuối năm sẽ giảm, kéo theo giá lương thực, thực phẩm tăng trở lại. Đặc biệt, về thanh khoản, những tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng được hỗ trợ tốt do lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước cũng như những dòng đầu tư gián tiếp. Tuy nhiên, dòng vốn này sẽ khó giữ được lâu khi Chính phủ đang đôn đốc các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chính vì thế, lãi suất cần giữ ổn định để tăng cường nguồn huy động đầu vào cho hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, trước tình hình trên, một số chuyên gia đã tiếp tục nêu ý kiến về việc nâng lãi suất huy động tiền gửi USD lên 0,25%/năm. Bởi nhu cầu ngoại tệ đang cao hơn cho nhập siêu, các ngân hàng phải đi vay ngoại tệ tại các ngân hàng nước ngoài với lãi suất cao nên việc lãi suất tiền gửi USD là 0%/năm sẽ không đủ sức thu hút người dân gửi tiền, thậm chí còn khiến việc hút kiều hối gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, việc tăng lãi suất huy động USD có thể khiến quay lại quá trình “đô la hóa”, trong khi nếu giữ lãi suất ổn định, gửi tiền Việt vẫn có lợi hơn. Về kiều hối, ông Linh cho rằng, mặc dù Hoa Kỳ tăng thêm lãi suất khoảng 2%, nhưng tiền gửi VND hiện khoảng 6%, trừ đi mất giá 2% thì chúng ta vẫn còn 2% chênh lệch giúp thu hút kiều hối. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại VND có thể mất giá cao hơn mức 2% nên theo ông Linh, cần có chính sách để thu hút lượng kiều hối, ví dụ như trái phiếu kiều hối với mức lãi suất ổn định, cao hơn lãi suất USD tại Hoa Kỳ. Điều này có thể góp phần tăng thêm một lượng tiền huy động tại các ngân hàng.

Ngoài ra, để giúp các ngân hàng giải tỏa sức ép về huy động vốn, các chuyên gia còn kiến nghị NHNN nên nghĩ tới phương án huy động vàng trong dân bằng cách phát hành chứng chỉ vàng, để chứng chỉ này như một loại giấy tờ có giá, không có lãi suất để tránh nguy cơ “vàng hóa”… Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lưc còn đề xuất NHNN nên điều chỉnh lùi thời gian đáp ứng Thông tư 06 để giúp các ngân hàng thoát khỏi cuộc chạy đua huy động lãi suất đầu vào nếu có, giúp giảm chi phí, góp phần giảm lãi suất đầu ra…

TAGS :

ap luc von cua cac ngan hang ngan hang ngan hang nha nuoc ngan hang viet nam viet nam