Nhà đầu tư Trung Quốc "để mắt" tới bất động sản khu vực Đông Nam Á
Các nhà đầu tư Hồng Kông và Trung Quốc tích cực phát triển tại Singapore và không ngừng tìm kiếm cơ hội ở Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư bất động sản.
Một báo cáo từ JLL cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư bất động sản. Tỷ trọng xuất khẩu tăng mạnh và vốn đầu tư tăng đáng kể ở hầu hết các ngành trong những tháng gần đây, những chỉ số này đã phần nào cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng tích cực.
ASEAN hút vốn đầu tư vào bất động sản
Trong nửa đầu năm 2017, Singapore đã đón nhận lượng vốn đầu tư nhảy vọt, đạt hơn 2,2 tỷ USD (3 tỷ SGD) vào phân khúc bất động sản văn phòng và hơn 1,45 tỷ USD (2 tỷ SGD) vào khu dân cư đến từ các nhà đầu tư Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Theo Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu thị trường vốn tại Đông Nam Á của JLL, Singapore vẫn là thị trường hấp dẫn nhất đối với nhiều nhà đầu tư, nhờ vào các yếu tố tăng trưởng tích cực trong dài hạn mà quốc gia này mang lại. Lượng giao dịch bất động sản trong 6 tháng đầu năm tại Singapore đã tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, do tâm lý của các nhà đầu tư có dấu hiệu tích cực trở lại sau khi mức giá thuê văn phòng trong trung tâm chạm đáy sớm hơn dự kiến.
"Trong thời gian tới, người mua sẽ tiếp tục săn đón các tài sản “giảm giá” ở Singapore", Lim nói.
Kỷ niệm 50 năm thành lập Cộng đồng ASEAN vào tháng tám tới đây, Đông Nam Á đang ngày càng trở nên mạnh mẽ sau đợt suy thoái kinh tế từ năm 2014 đến năm 2016. Kinh tế của khu vực này đã tăng 4,8% trong quý đầu năm nay, so với 4,5% vào năm 2016.
"Chúng tôi nhận thấy nhiều tập đoàn quy mô lớn của Trung Quốc đang quan tâm mạnh mẽ đến thị trường Indonesia, Việt Nam và Philippines. Nền kinh tế phát triển và nhân khẩu học thuận lợi của Indonesia đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư này. Tại Jakarta, chúng tôi dự kiến bất động sản văn phòng sẽ tiếp tục là mục tiêu chủ chốt trong các thương vụ mua bán trong thời gian tới", bà Lim nói.
"Chúng tôi dự đoán trong 6 đến 12 tháng tiếp theo, xu hướng đầu tư vào loại hình bất động sản công nghiệp và logistics sẽ phát triển mạnh và thúc đẩy ngành sản xuất và thương mại điện tử ở Đông Nam Á tăng trưởng."
Giá thuê chạm đáy, cung gặp cầu
Giá thuê văn phòng ở những khu vực trung tâm như Marina Bay, Singapore đã giảm 27% trong 8 quý liên tiếp cho đến quý I/2017, trong khi giá thuê tại Kuala Lumpur giảm 3% cùng giai đoạn. Tỷ lệ lấp đầy phân khúc văn phòng trong năm 2016 ở những thị trường trọng tâm liên tiếp giảm do suy thoái kinh tế. Ngoài ra, nguồn cầu khách thuê đã tăng lên đáng kể, cũng như giá thuê văn phòng tăng trở lại lần đầu tiên trong Q2 năm nay, điều này đã làm tăng niềm tin của nhà đầu tư.
"Do sự tăng trưởng giá thuê mạnh hơn dự kiến, chúng tôi dự báo giá thuê tại phân khúc văn phòng ở Singapore sẽ tăng khoảng 10% vào năm 2018 và tăng 20% trong bốn năm tới ", Lim bổ sung.
Trong nửa đầu năm 2017, công suất văn phòng cho thuê tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 4,6% so với 4% vào năm 2016, nhờ nhu cầu thuê của các công ty thương mại điện tử, dịch vụ kinh doanh và các công ty tài chính.
Những khu vực xung quanh, các công ty hoạt động trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến đang đóng góp đáng kể vào diện tích văn phòng được lấp đầy tại Manila, trong khi các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ, fintech và co-working đang không ngừng mở rộng ở Jakarta. Giá thuê văn phòng tại thủ đô Indonesia đã giảm 16% trong vòng hai năm qua và có thể sẽ tiếp tục giảm trong 18 tháng tới do nguồn cung tương lai cao.
Trong khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm những cơ hội phát triển, tâm lý khách hàng trong khu vực này vẫn tương đối hạn chế. Doanh thu bán lẻ của Indonesia đã tăng 4,7% so với năm trước trong quý I/2017, giảm từ 10,5% năm 2016. Doanh thu bán lẻ của Philippines đã tăng 6,5% trong quý I/2017, thấp hơn mức 7,2% trong năm 2016. Tại Singapore, doanh thu bán lẻ đã giảm trong 3 năm gần đây, tuy nhiên quốc gia này đã có sự cải thiện đáng kể, tăng 0,6% trong 5 tháng đầu năm 2017.
Phương Dung