Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Nhận diện xuất nhập khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017

       Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ 2016 (3 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ 2015).

Nhận diện xuất nhập khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017

Cảng Hải Phòng

XUẤT KHẨU

        Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng qua các tháng; tháng 1 tăng 2,2% (so với tháng 12), tháng 2 tăng 15,4%, tháng 3 tăng 24,8%. Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ 2016 (3 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ 2015).

       Giá hàng hóa thế giới phục hồi đã góp phần nâng cao tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá, xuất khẩu 3 tháng vẫn tăng được 6,7%, cho thấy lượng xuất khẩu cũng có sự cải thiện.

      1. Nhóm nhiên liệu, khoáng sản có tốc độ tăng cao nhất (43,5%). Kim ngạch nhóm này ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng khoảng 318 triệu USD so với cùng kỳ. Tăng trưởng được hỗ trợ chủ yếu nhờ yếu tố giá: giá than tăng 46%, giá dầu thô tăng 64%, khí đốt hóa lỏng tăng 42%. Xuất khẩu dầu thô giảm 14,2% về lượng nhưng do giá tăng nên kim ngạch vẫn tăng 30,5%. Xuất khẩu than tăng hơn 5 lần về lượng và hơn 10 lần về trị giá do Chính phủ cho phép xuất khẩu một số chủng loại than trong nước chưa dùng đến.

       2. Nhóm nông, lâm, thủy sản tiếp tục ghi nhận sự phục hồi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu, đạt 5,46 tỷ USD, chiếm 12,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong nhóm này, có 3 mặt hàng giảm về kim ngạch là gạo, tiêu và sắn. Hạt tiêu tuy tăng về lượng xuất khẩu nhưng do giá bình quân giảm nên kim ngạch giảm. Lượng gạo xuất khẩu giảm do nhu cầu yếu, áp lực cạnh tranh tăng cao và sự thay đổi chính sách tại một số thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc. Thủy sản ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6%, cao hơn so với mức 4,6% của cùng kỳ năm ngoái.

        3. Nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì được mức tăng khá (12,5%) nhờ sự hỗ trợ của một số mặt hàng chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử (tăng 42,3%), máy móc, thiết bị, phụ tùng (tăng 34,6%) và dệt may (tăng 10,3%). Đáng chú ý, điện thoại và linh kiện giảm 10,7% (cùng kỳ 2016 tăng 14,2%), tương đương khoảng 900 triệu USD do chưa có sản phẩm nào mới để thay thế cho Galaxy Note 7.

      4. Về thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 43,3% (cùng kỳ 2016 tăng 15,1%); sang Nhật Bản tăng 15,4% (cùng kỳ 2016 giảm 0,7%); sang Nga tăng 32,8% (cùng kỳ 2016 tăng 6,7%); sang các nước ASEAN tăng 21,6% (cùng kỳ 2016 giảm 13,3%). Xuất khẩu sang một số thị trường khác vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ tăng không được như năm ngoái. Cụ thể là, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 4,1% trong khi 3 tháng đầu năm ngoái tăng 17,5%; sang Hàn Quốc tăng 24,1% (cùng kỳ 2016 tăng 35,5%); sang EU tăng 4,5% (cùng kỳ 2016 tăng 12,03%).

NHẬP KHẨU

       Tương tự xuất khẩu, nhập khẩu cũng tăng liên tục qua các tháng của quý I và tăng với tốc độ cao. Tính chung 3 tháng ước đạt 45,6 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2016 (3 tháng đầu 2016 nhập khẩu giảm gần 4,4%). Trong đó, nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ đầu tư và nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng rất mạnh. Nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi tăng mạnh nhưng tổng nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng lại giảm 7,5% so với cùng kỳ.   

        Giá thế giới phục hồi, nhất là giá nguyên nhiên liệu, đã góp phần đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá, nhập khẩu 3 tháng đầu năm vẫn tăng tới 18,6%, cho thấy nhu cầu đầu tư và nhu cầu nguyên liệu là rất lớn. Đặc biệt, tốc độ tăng nhập khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 24,4%, cao hơn so với mức tăng 21,1% của khối doanh nghiệp FDI.

        1. Nhóm máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh và tăng ổn định qua các tháng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu (87,6%). Sau 3 tháng, kim ngạch nhóm này tăng tới 23,3% trong khi 3 tháng đầu 2016 giảm 5% so với cùng kỳ 2015. Một số mặt hàng có tốc độ tăng đáng chú ý bao gồm: xơ sợi tăng 25,8%; chất dẻo nguyên liệu tăng 33,2%; sắt thép tăng 45,4%; máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 28,3%.  

         2. Nhóm hàng tiêu dùng giảm 7,5% (cùng kỳ 2016 tăng gần 9%), chủ yếu do nhập khẩu điện thoại di động giảm sâu (giảm 46,1%). Trong nhóm này, ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống tăng mạnh 82,1% do tác động kép của việc giảm thuế nhập khẩu cho ASEAN và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe có dung tích xi-lanh thấp.

         3. Nhập khẩu từ tất cả các thị trường đều có sự phục hồi nhưng tốc độ phục hồi là khác nhau. Cụ thể, nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 36,1% (cùng kỳ 2016 chỉ tăng 4,42%); từ Nhật Bản tăng 23,3% (cùng kỳ 2016 giảm 12,31%); từ EU tăng 28% (cùng kỳ 2016 giảm 9,4%); từ Hoa Kỳ tăng 32,1% (cùng kỳ 2016 giảm 4,14%). Các thị trường khác có tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu chung, thí dụ, nhập khẩu từ ASEAN tăng 17,7%; từ Trung Quốc tăng 12,3%, thấp hơn so với tốc độ tăng xuất khẩu vào các thị trường này.

CÁN CÂN THƯƠNG MẠI

Tính chung 3 tháng, cả nước nhập siêu khoảng 1,9 tỷ USD, tương đương 4,4% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp 100% vốn trong nước là tác nhân chính khi nhập siêu tới 6,07 tỷ USD. Khu vực FDI xuất siêu 4,17 tỷ USD.

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm gần 900 triệu USD trong khi nhập khẩu đầu vào cho sản xuất tăng mạnh là lý do chính dẫn dến nhập siêu.

9 nhóm hàng sau đây có mức tăng lớn so với cùng kỳ năm 2016:

- Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 1,7 tỷ USD;

- Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 955 triệu USD;

- Sắt thép, kim loại thường và sản phẩm từ sắt thép, kim loại thường, phế liệu sắt thép tăng 1,26 tỷ USD;

- Nhiên liệu tăng 709 triệu USD);

- Chất dẻo nguyên liệu tăng 600 triệu USD;

- Hóa chất tăng 430 triệu USD;

- Nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 471 triệu USD;

- Thức ăn gia súc tăng 258 triệu USD.

- Hạt điều tăng 204 triệu USD (chủ yếu phục vụ chế biến điều xuất khẩu)

Tổng cộng, 9 nhóm hàng này làm tăng kim ngạch nhập khẩu khoảng 6,6 tỷ USD, bằng 79% tổng mức tăng nhập khẩu 3 tháng đầu năm. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong các tháng của quý II do mặt bằng lãi suất thấp và tỷ giá ổn định kết hợp với cầu trong nước vẫn đang tạo thuận lợi cho sản xuất và xây dựng phục hồi./.

(*) Các số liệu trình bày trong bài là số liệu ước tính

BCT

TAGS :

hai phong viet nam xuat nhap khau