Nhập khẩu giống cây trồng theo NSW: Doanh nghiệp mong được tập huấn nhiều hơn
Chính thức khởi động từ cuối tháng 12/2015, đến nay thủ tục “Cấp giấy phép NK giống cây trồng không có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam” theo Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW) đã được nhiều DN áp dụng, ghi nhận những hiệu quả tích cực song vẫn còn không ít bất cập cần khắc phục.
Tự tin hơn
Từ khi tập huấn đến nay, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đã hai lần triển khai thủ tục “Cấp giấy phép NK giống cây trồng không có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam” theo NSW. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, nhân viên của Tổng công ty cho biết: Lần đầu tiên DN áp dụng NSW vào khoảng tháng 8/2016. Mới đây nhất, ngay đầu tháng 7/2017, DN áp dụng lần thứ hai. Cả hai lần, Tổng công ty đều NK giống ngô từ Trung Quốc về khảo nghiệm. Vào dịp tháng 7 vừa qua, số lượng giống NK khoảng 400kg. Kể từ khi nộp hồ sơ cho tới khi DN được cấp giấy phép NK khoảng 3 tuần.
“Do DN có trụ sở tại Thái Bình, trước đây khi còn làm hồ sơ giấy, mỗi lần làm thủ tục xin cấp giấy phép NK giống cây trồng, nhân viên triển khai đều khá vất vả. Nhân viên phải xuất phát sớm từ Thái Bình lên Hà Nội để nộp hồ sơ tại Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT). Có những thời điểm, trong buổi sáng công việc không hoàn tất, nhân viên lại phải chờ tới chiều giải quyết, sau đó mới quay trở về Thái Bình. Hiện nay, NSW khắc phục được hầu hết các phiền hà. Khâu khai báo hồ sơ khá nhanh chóng, tiện lợi”, bà Huyền nói.
Xung quanh vấn đề này, đại diện một số DN có trụ sở xa Hà Nội khác cho hay: Khi làm hồ sơ giấy, điều DN lo ngại là hồ sơ nộp đi có sai sót, sẽ phải nhận về để sửa chữa, hoàn thiện. Trong hoàn cảnh đó, DN có hai cách triển khai, thứ nhất là nhận bản chuyển phát nhanh gửi lại từ Cục Trồng trọt và thứ hai là tới trực tiếp Cục Trồng trọt để nhận hồ sơ. Cách nào cũng khiến DN tốn nhiều thời gian, công sức. Áp dụng NSW đã giúp DN khắc phục được những lo lắng này. Bên cạnh đó, nỗi lo giới hạn dung lượng hồ sơ tối đa 2Mb khi khai báo trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia trước đây khiến nhiều DN “đau đầu”, đến nay cũng đã được tháo gỡ, càng làm DN tự tin hơn khi áp dụng NSW.
Doanh nghiệp còn bị động
Những lợi ích từ việc áp dụng NSW khá rõ ràng, tuy nhiên trong thực tế triển khai vẫn còn không ít bất cập. Theo phản ánh của phần lớn DN, đó là tổng thời gian giải quyết thủ tục, cấp giấy phép vẫn còn chậm, chưa thực sự tạo ra sự khác biệt đột phá so với làm hồ sơ giấy. Bên cạnh đó, DN chưa có sự chủ động hoàn toàn khi triển khai thủ tục theo NSW.
Lý giải về điều này, một số DN đưa ra dẫn chứng, mặc dù DN đã nộp toàn bộ hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia, song DN vẫn phải phấp phỏng theo dõi xem hồ sơ của DN được giải quyết như thế nào. Thậm chí, có trường hợp, DN nộp hồ sơ sau một tuần không thấy có phản hồi gì từ cơ quan quản lý. Khi quá “sốt ruột”, nhân viên của DN gọi điện hỏi mới nhận được phản hồi là hồ sơ mới được xem xong và có sai sót, cần chỉnh sửa. Trong suốt quá trình chờ đợi cấp phép, nhân viên DN phải nhiều lần gọi đi gọi lại hỏi han tiến độ. Điều này chưa thực sự như tinh thần ban đầu của NSW là DN hoàn toàn chủ động theo dõi tình trạng hồ sơ, chỉ đợi cấp phép là thông tin được chuyển sang cơ quan Hải quan để giải quyết thủ tục.
Liên quan tới những vướng mắc khi áp dụng NSW, ông Lê Đăng Phúc, Phòng XNK, Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa cho hay: Theo quy định, từ ngày 1/4/2016, thủ tục xin cấp giấy phép NK giống cây trồng kể trên hoàn toàn thực hiện qua hệ thống Cổng thông tin một cửa Quốc gia, không tiếp nhận hồ sơ giấy. Khi có nhu cầu NK, DN phải áp dụng NSW. Tuy nhiên, điều đáng bàn là DN chưa từng được tập huấn triển khai thủ tục này theo NSW. Bởi vậy, DN phải tự học hỏi, gặp khá nhiều khó khăn trong thực tế. Ngay cả phần nhập thông tin khai báo hồ sơ ban đầu, DN cũng cảm thấy còn phức tạp. “Công ty Giống cây trồng Thanh Hóa thường NK giống lúa mới từ Trung Quốc về khảo nghiệm. Thông thường, khoảng 2-3 năm mới có giống mới một lần. Vì thế, tần suất triển khai thủ tục xin cấp giấy phép NK không nhiều. Tuy nhiên, đã là quy định chung, DN sẽ luôn tuân thủ đầy đủ. DN mong muốn cơ quan quản lý tổ chức tập huấn thêm cho các DN có nhu cầu triển khai thủ tục mà chưa từng được tập huấn trước đó. Nếu có thể, DN cũng mong có một đầu mối cố định để hỗ trợ trực tiếp các DN khi có vướng mắc xảy ra”, ông Phúc nói.