Nhập siêu từ Thái Lan: Khi hàng Thái lên ngôi
Sau Trung Quốc, Hàn Quốc đến lượt Thái Lan đã trở thành mối quan tâm của Bộ Công Thương khi con số nhập siêu từ thị trường này đang ngày một tăng, dù mức tăng có chậm hơn trước. Vấn đề đặt ra là giải pháp hạn chế ra sao khi chúng ta không nên áp dụng biện pháp cực đoan
Tính đến hết tháng 8, tổng kim ngạch XNK giữa 2 nước đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó XK sang Thái Lan đạt 3,07 tỷ USD và NK đạt 6,57 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu từ thị trường Thái Lan ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ Công Thương cũng thống kê ra được 5 nhóm mặt hàng NK lớn nhất từ Thái Lan góp phần lớn vào giá trị nhập siêu từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện, rau quả, ô tô nguyên chiếc, xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu và linh kiện phụ tùng ô tô.
Không thể phủ nhận sức hút của hàng Thái Lan tại thị trường Việt Nam với ưu điểm giá cả, mẫu mã, chất lượng, khiến một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái. Không chỉ vậy, Chính phủ Thái Lan còn dành ngân sách khá lớn cho việc triển khai với quy mô lớn và có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam, hàng năm có khoảng 12 đến 22 hội chợ hàng Thái được tổ chức ở Việt Nam với sự tham gia của nhiều DN và kết nối với DN Việt Nam.
Một lý do nữa khiến nhập siêu từ Thái Lan tăng là do Việt Nam vẫn có nhu cầu NK lớn đối với các mặt hàng Thái Lan là đầu vào cho sản xuất như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; xăng dầu các loại; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất… Việc tăng NK nguyên phụ liệu từ thị trường này có thể giảm sự phụ thuộc cho Việt Nam vào một thị trường là Trung Quốc.
Có cái nhìn sâu hơn trong mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan dẫn đến tình hình nhập siêu càng trở nên đáng ngại, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu mặt hàng XNK giữa hai nước rất giống nhau song cùng là một sản phẩm thì hàng Việt Nam XK sang Thái Lan lại có giá trị thấp hơn do năng lực cạnh tranh thấp hơn.
Từ việc yếu về năng lực cạnh tranh, một số ý kiến có nêu lên biện pháp hạn chế NK là đưa ra hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bác ngay suy nghĩ này bởi hàng rào kỹ thuật phải gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa và gắn với an toàn thực phẩm chứ không phải là công cụ để quản lý sản phẩm. “Không chỉ nhìn ở việc kiểm soát NK bằng mọi giá mà cần nhìn một cách tổng thể, từ năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của DN. Không thể áp dụng các biện pháp cực đoan khác, chúng ta chỉ quản lý chứ không giám sát”, ông Tuấn Anh nói và cho rằng, có thể chúng ta phải chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này nhưng lại xuất siêu ở mặt hàng khác.
Làm từ năng lực cạnh tranh
Cách tiếp cận trên chính là yêu cầu mà người đứng đầu ngành Công Thương đặt ra đối với các vụ, cục khi làm công tác quản lý và vị này cũng yêu cầu Vụ Thị trường châu Á- châu Phi phải có kế hoạch cụ thể hơn nữa trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, định hướng thông tin thị trường. Bởi theo ông Chinh, lâu nay chiến lược gì chúng ta cũng có nhưng tính khả thi không có do sự gắn kết giữa người làm chiến lược và DN chưa có. Bên cạnh đó, chiến lược còn chung chung không gắn với nguồn lực. “Nguồn lực để xúc tiến thương mại chỉ khoảng 70-80 tỷ đồng mà vẫn làm theo cách cũ thì rất khó”, ông Chinh nhận xét.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, cần đặt vấn đề tăng cường XK sang Thái Lan, phát triển thương mại một cách bền vững. Ông Sơn cũng thừa nhận thực tế, lâu nay xúc tiến thương mại tại thị trường Thái Lan còn hạn chế, hoạt động rất ít, chủ yếu là những hoạt động đơn lẻ do Vụ châu Á- châu Phi, hoặc TP. HCM tự tổ chức. “Mức độ quan tâm đến thị trường Thái Lan của Việt Nam còn khá hạn chế. Chúng tôi cũng chủ động phối hợp với hiệp hội, DN để tham gia triển lãm tại Thái Lan. Thế nhưng, vì không có hỗ trợ nên dù đã 3-4 lần mời, DN vẫn ngại không đi, hoặc có những DN còn ngần ngại khi nhìn thấy thị trường Thái Lan chưa khả thi”, ông Sơn chia sẻ.
Như vậy, khó XK, khó xúc tiến thương mại là thực tế đang diễn ra khi giao thương với thị trường Thái Lan, trong khi đó hàng Thái vẫn hàng ngày, hàng giờ vào Việt Nam nhiều hơn khi Việt Nam đã xóa bỏ thuế NK đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018. Vì thế, hàng rào thuế gần như sẽ bị vô hiệu hóa, Việt Nam chỉ có thể gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của sản xuất, hàng hóa.
Ông Chinh cho hay, phải tìm ra mặt hàng tiềm năng ở Thái Lan, từ đó chúng ta đầu tư nuôi dưỡng để mặt hàng đó phát triển ổn định, đứng vững ở thị trường Thái, từ đó mới có thể đong đếm được hiệu quả của chương trình xúc tiến thương mại. Cách làm “mưa dầm thấm đất” mà Thái Lan làm khi xúc tiến là một bài học cho Việt Nam. “Phải tìm được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, dư lượng XK, đối thủ cạnh tranh là gì thì mới có chiến lược rõ ràng. Với cách tiếp cận như vậy, chúng ta không cần giải pháp gì cao siêu, chỉ cần tính xem 2-3 năm đối với thị trường Thái Lan chúng ta tập trung làm gì, với thị trường khác cũng vậy, là có thể mang lại hiệu quả”, ông Chinh nêu ý kiến.