Nhiều tỉnh thành miền Đông Nam bộ hút vốn FDI
Các tỉnh thành phía Nam thu hút nhiều dự án có số vốn đăng ký lớn, đóng góp vào tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các dự án FDI trên phạm vi cả nước là 33,09 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2017, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Công nghiệp chế biến, chế tạo hút vốn
Trong 11 tháng năm 2017, TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI với 5,68 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hiếm 24,7% với gần 480 triệu USD, tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình như dự án đầu tư của CJ Cầu Tre (Hàn Quốc) để xây dựng một tổ hợp chế biến thực phẩm từ thịt và thủy sản tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có tổng vốn đầu tư khoảng 53,3 triệu USD trên diện tích 7,1 ha, gồm các hạng mục: Nhà máy chế biến thực phẩm, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm an toàn thực phẩm hiện đại… Giai đoạn một của dự án có công suất thiết kế khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm. Hay như mới đây trong tháng 11, TP.HCM đã thực hiện cấp giấy phép đầu tư mới cho dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư với mục tiêu kinh doanh bất động sản.
Bình Dương là một trong những địa phương phía Nam có nguồn vốn đầu tư FDI dẫn đầu cả nước. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong 11 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 2,546 tỷ USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn FDI đã đóng góp hơn 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp hơn 67% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm trên 82% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương. Đáng chú ý, phần lớn vốn FDI tại Bình Dương đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và hiện đại. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 161 dự án đầu tư đăng ký mới, 110 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn và 71 dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư 2,138 tỷ USD, chiếm 83,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm trên toàn tỉnh. Chẳng hạn, mới đây đã diễn ra lễ khánh thành nhà máy sản xuất trị giá 20 triệu USD của Công ty TNHH Bel Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Bel (Pháp). Đây là nhà sản xuất những thương hiệu phô mai nổi tiếng như Con Bò Cười, Kiri, Babybel, Goodi, Regal Picon... Nhà máy này ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý, sản xuất các sản phẩm từ sữa để phục vụ thị trường xuất khẩu và trong nước.
Hay như dự án đầu tư của Công ty TNHH Polytex Far Eastern. Đây là dự án rất đáng chú ý bởi lĩnh vực công ty đăng ký hoạt động là phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành may, bao gồm các sản phẩm xơ tổng hợp polysester. Dự án có vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 485,8 triệu USD, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 760 triệu USD, tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng. Với dây chuyền máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chủ đầu tư kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu phụ trợ cho ngành công nghiệp dệt may không chỉ của Bình Dương mà còn mở rộng ra thị trường cả nước.
Ngoài ra, một số địa phương phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bình Phước cũng đã có nhiều sự khởi sắc trong thu hút vốn đầu tư FDI trong nhiều tháng qua, hứa hẹn một năm thắng lợi lớn. Điển hình như Đồng Nai, tính đến ngày 20/11, tỉnh đã cán đích sớm trong thu hút FDI đạt gần 1,18 tỷ USD, vượt gần 180 triệu USD so với kế hoạch năm 2017
Cải thiện môi trường, thu hút đầu tư
Để phát triển bền vững, thu hút nhiều hơn nữa từ các nhà đầu tư FDI trong thời gian tới, tại hội nghị đối thoại với nhà đầu tư nước ngoài diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết, hiện tỉnh đang tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng; tiến hành quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN đến đầu tư.
Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản; tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của DN và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh; tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho DN yên tâm đầu tư vào Bình Dương.
Tương tự, để thu hút vốn FDI những tháng cuối năm, hiện TP.HCM xác định phải tìm ra phương pháp để 4 ngành công nghiệp trọng yếu phát triển (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến lương thực thực phẩm). Cụ thể như ngành cơ khí chế tạo tiếp tục tập trung để tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đã chuyển mạnh mẽ với việc đầu tư nhiều trang thiết bị mới có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Nhiều dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc điều khiển tự động đã được DN sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao do chất lượng ổn định và giá thành khoảng 50-70% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Ngành điện tử-công nghệ thông tin ngày càng phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử…
Ngoài ra, để thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM có giải pháp thúc đẩy nhanh các dự án tại các khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3, Vĩnh Lộc mở rộng, Phong Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Hiệp Phước giai đoạn 2, Đông Nam, Cơ khí Ô tô và An Hạ…