Những bất ngờ từ chuyến thăm VN của Tổng thống Trump
Bất ngờ và phấn khởi là cảm xúc chung của nhiều nhà quan sát khi trao đổi với Zing.vn về những bước tiến mới trong quan hệ Việt - Mỹ năm nay với hai chuyến thăm song phương lớn
"Tôi nghĩ rất nhiều người ở Thái, gồm cả cá nhân tôi, khá ghen tị với Việt Nam khi các bạn là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Tổng thống Trump thăm chính thức", Ruk Nirandr, một phóng viên từ Thái Lan nói với Zing.vn khi cô đến Đà Nẵng đưa tin về APEC tại Trung tâm Báo chí Quốc tế hôm 10/11.
Theo Ruk, "khi thủ tướng của các bạn đến Nhà Trắng hồi giữa năm, hai bên đã ký kết những thoả thuận hợp tác giá trị lớn. Nếu Tổng thống Trump đến thăm Thái Lan, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ có những thoả thuận, hợp đồng mang lại lợi ích cho người dân hai nước. Nên chúng tôi khá ghen tị với Việt Nam lần này".
Theo dõi xuyên suốt chuyến công du của Tổng thống Trump đến châu Á những ngày vừa qua đều thấy các nước tổ chức những nghi lễ hoành tráng, cao cấp nhất để đón vị tổng thống khác biệt nhất của Mỹ trong nhiều thập niên. Tại Hàn Quốc, Tổng thống Trump được mời đến phát biểu trước quốc hội sau màn tiếp đón hoành tráng. Tại Trung Quốc, báo chí nước này cho rằng các nghi thức đón tổng thống Mỹ là đặc biệt nhất trong 70 năm qua.
Xét về tầm quan trọng, Tổng thống Trump đến Việt Nam được xem là chuyến đi “2 trong 1”. Nhiều ý kiến bày tỏ sự bất ngờ và phấn khởi, trông đợi chuyến thăm của Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump sẽ có 2,5 ngày công tác và thăm chính thức Việt Nam.
Tư duy ngắn hạn của Mỹ và ý nghĩa của chuyến thăm trong năm đầu
Bất ngờ vì ông Trump không chỉ tham dự hội nghị cấp cao của các lãnh đạo nền kinh tế APEC tại Đà Nẵng, mà sẽ ra Hà Nội vào ngày 11/11 để thăm chính thức Việt Nam. Xét về thời gian, quan hệ Việt - Mỹ là trẻ nhất so với quan hệ của Mỹ và những nước còn lại trong chuyến đi lần này của ông Trump.
So với 22 năm quan hệ Việt - Mỹ thì Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh chiến lược hàng thập kỷ; trong khi việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khiến nước này là một trong những trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại Mỹ.
Phấn khởi vì ít người nghĩ rằng Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đến gặp tân tổng thống Mỹ rất sớm sau khi ông vừa nhậm chức; và cũng chính Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Tổng thống Trump đến thăm ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Nhiều đoàn ngoại giao các nước ở Hà Nội khi đó nhắn tin, hỏi han nhau về tính xác thực của thông tin.
Bất kỳ chuyến đi của tổng thống Mỹ đến một quốc gia nào, dù ở đầu hay cuối nhiệm kỳ, đều có ý nghĩa quan trọng nhất định, thể hiện sự coi trọng của Mỹ với mối quan hệ với quốc gia ấy trong hàng trăm quốc gia khác.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trong một cuộc trao đổi với Zing.vn từng nhận định: “Khi hai lãnh đạo hội đàm là cơ hội để tìm hiểu lẫn nhau. Những cuộc hội đàm giữa những người đứng đầu nhà nước đều rất quan trọng. Nếu họ có thể thiết lập ấn tượng, tình cảm tốt thì sẽ có lợi đối với chính sách về sau”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói sau cuộc gặp song phương với Tổng thống Trump bên lề hội nghị G20 hồi tháng 7 rằng: “Chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều qua điện thoại, nhưng nói thật là như vậy thì không bao giờ đủ. Trong một quan hệ quan trọng lâu dài, chúng ta cần duy trì gặp gỡ và nói chuyện với nhau trực tiếp như thế này”.
Tuy nhiên, với tư duy ngắn hạn về nhiệm kỳ trong chính trị Mỹ, khi mỗi tổng thống không được giữ chức quá 2 nhiệm kỳ, nên việc tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam ngay từ rất sớm sẽ thuận lợi hơn trong việc triển khai những thoả thuận mà 2 bên đã đạt được trong những năm còn lại.
Trên thực tế, ông Trump cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam vào năm đầu nhiệm kỳ. Để đạt được điều này, ông Lê Công Phụng, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, trong cuộc trao đổi với Zing.vn tuần trước khẳng định chuyến công du Việt Nam "2 trong 1" lần này của Tổng thống Trump là "một thành công của ngoại giao Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm của Mỹ tới Việt Nam trong khu vực".
Để chuyến thăm diễn ra, ông Lê Công Phụng đánh giá cao vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ là hết sức quan trọng. Do sứ quán là cơ quan đại diện của Đảng và Nhà nước tại Mỹ nên họ phải nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo trong nước để lãnh đạo xem xét thời cơ đã thích hợp chưa, nước bạn có muốn thăm Việt Nam không...
"Sau đó là những bước chuẩn bị quan trọng như Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Mỹ, rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng Mỹ, để thúc đẩy quan hệ chung, nhưng cũng một phần đóng góp vào việc vận động, thăm dò, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho chuyến đi của ông Trump đến Việt Nam", ông Lê Công Phụng nói.
Người dân Đà Nẵng chào đón Tổng thống Trump đến Việt Nam ngày 10/11
Tiếp nối chiến lược của Mỹ
Nhiều quyết định và hành động của Tổng thống Trump từ sau khi đắc cử, và trong những tháng đầu tiên sau khi vào Nhà Trắng, khiến châu Á lo lắng, băn khoăn về chính sách của chính quyền Mỹ mới với khu vực.
Chính sách "Nước Mỹ trước tiên" thể hiện ưu tiên đối nội là chủ đề xuyên suốt trong chính sách của Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố IS được thể hiện rõ ràng là trọng tâm đối ngoại của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, gây thất vọng lớn nhất là việc ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mũi nhọn kinh tế trong chiến lược tái cân bằng hướng về châu Á mà người tiền nhiệm Barack Obama đã nỗ lực xây dựng.
Giữa những lo lắng, quan hệ Việt - Mỹ đã đạt được những trấn an từ rất sớm, thể hiện rõ rệt qua chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ hồi tháng 5. Giáo sư Alexander Vuving ồ lên phấn khởi với Zing.vn khi ông đọc tuyên bố chung sau cuộc gặp cấp cao này. "Rất chi tiết, những nội dung quan trọng vẫn được đề cập và nhiều nội dung mới được bổ sung thêm. Chuyến đi lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất thành công", ông Vuving nói khi đó.
Sự lo lắng về chính sách của Tổng thống Trump một phần trên cơ sở là ông Trump là người mới trong chính trị. Tuy nhiên, đội ngũ cố vấn và quan chức nội các của ông đều là những người giàu kinh nghiệm, đặc biệt là hai vị bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, cố vấn an ninh quốc gia. Họ đều chung quan điểm rằng Việt Nam là một đối tác rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại châu Á. Cho nên Washington rất cần tăng cường quan hệ với Hà Nội, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Những nội dung về quan hệ Việt - Mỹ trong các văn bản chính thức được tiếp nối từ thông điệp trong chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam năm 2016, và qua chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ vào tháng 5 này, đều nêu bật lên những vấn đề cơ bản trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Chẳng hạn, Mỹ đã công nhận vai trò của Việt Nam là nước đóng góp tích cực vào an ninh khu vực và toàn cầu, đặc biệt là cam kết của Việt Nam với lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc. Cả hai bên thừa nhận lợi ích chiến lược tương đồng ngày càng tăng.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam năm 2016 và khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5, Việt Nam cũng có được lời hứa từ Mỹ về giải quyết hậu quả chiến tranh.
Hai bên cũng thống nhất tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực an ninh - quốc phòng, bao gồm hợp tác trong công nghệ và đồng sản xuất quốc phòng. Trong tuyên bố chung tháng 5, văn bản thậm chí đặt ra những định hướng hợp tác mới như Việt Nam sẽ đón tàu sân bay Mỹ, và hợp tác chia sẻ thông tin tình báo, sản xuất quốc phòng...
Bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Hội nghị CEO APEC ở Đà Nẵng nhấn mạnh nguyên tắc công bằng thương mại và tầm nhìn về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thịnh vượng
Công bằng thương mại
Tổng thống Trump tỏ ra không mặn mà với các thoả thuận đa phương và luôn chủ trương "cân bằng thương mại". Theo ông Murray Hiebert, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và là một nhà quan sát tình hình Việt Nam lâu năm, sự khác biệt lớn nhất trong quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Trump là Mỹ nay không còn trong TPP. Tuy nhiên, hai nước đã bắt đầu thảo luận về những hiệp định thương mại song phương thay thế.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện chính quyền Mỹ đã chứng kiến các lễ ký kết hợp tác với giá trị hợp đồng đến 8 tỷ USD. Các chuyên gia đánh giá cao động thái này của Việt Nam, khi tỏ ra nhạy bén và phản ứng nhanh để phù hợp với quan điểm của chính quyền mới. Quả thực, Tổng thống Trump hài lòng về giá trị hợp đồng này cũng như nỗ lực từ Việt Nam để xây dựng "tái cân bằng" trong quan hệ thương mại.
"Họ vừa có nhiều đơn đặt hàng rất lớn với Mỹ và chúng tôi đánh giá cao việc đó. Với nhiều tỷ USD nghĩa là sẽ có thêm việc làm cho Mỹ và những thiết bị rất tốt cho Việt Nam", Tổng thống Trump nói với báo giới trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng.
Nhiều nhà quan sát tin rằng mối quan hệ Việt - Mỹ sẽ không bị xáo trộn đáng kể trong chính quyền Trump, vì nếu đặt bản thân vào vị trí hoạch định quyền lợi chiến lược cho Mỹ thì nước này muốn Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cán cân lực lượng châu Á.
Đến nay, chiến lược của chính quyền Trump với Việt Nam phần lớn tương đồng với chính quyền Obama trước đây. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, người vừa kết thúc nhiệm kỳ vào đầu tháng 11, trong hai lần trao đổi với Zing.vn (sau khi Tổng thống Trump nhậm chức và vài tuần trước khi ông bắt đầu công du châu Á) đã khẳng định "Mỹ có chính quyền mới nhưng lợi ích của Mỹ tại Việt Nam không đổi".
"Dù tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam là người đảng Dân chủ hay Cộng hòa, họ sẽ tiếp tục làm sâu sắc quan hệ vì lợi ích nhân dân hai nước và lợi ích khu vực", ông Osius nói.