Những tiêu chuẩn nông sản cần có khi xuất khẩu sang Mỹ
Việc đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm soát theo chuỗi và đáp ứng mọi nguyên tắc xuất khẩu là điều kiện để nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới.
Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với nhiều mặt hàng quan trọng như gạo, thủy hải sản, cà phê, hồ tiêu, trái cây... Tuy nhiên, để đặt chân vào thị trường này, sản phẩm cần trải qua một loạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và những quy định khắt khe từ đối tác.
Đăng ký kèm xác nhận từ đại diện nhập khẩu phía Mỹ
Theo luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ, cứ 2 năm một lần, các đơn vị xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang Mỹ phải đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện tại Mỹ với cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) để được cấp mã số mới. Theo thống kê gần đây của FDA, Việt Nam có 1.485 cơ sở sản xuất được FDA cho phép kinh doanh hợp lệ nhưng con số này hiện chỉ còn 806. 679 cơ sở sản xuất bị hủy mã số kinh doanh do không tiến hành đăng ký lại hoặc không đúng thủ tục.
Năm 2017, FDA đã điều chỉnh lại luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải có một đối tác nhập khẩu hoặc đại diện nhận hàng phía Mỹ xác nhận lại đăng ký của cơ sở sản xuất. Như vậy, đại diện này sẽ có trách nhiệm xác minh thực phẩm nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hiện hành của Mỹ. Quy định này được bắt đầu từ ngày 30/5.
Trái cây đóng hộp là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ
Vượt qua "hàng rào" nguyên tắc
Ông Nestor Scherbey, Tổng giám đốc CTRMS Việt Nam - cố vấn cấp cao, Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu cho biết, nhiều nhà sản xuất cho rằng họ đã đăng ký và có chứng nhận để xuất khẩu sang Mỹ, tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Đây mới chỉ là mã số cho phép các kiểm định viên của FDA kiểm tra cơ sở sản xuất.
Theo ông, thực phẩm phải tiếp tục vượt qua các kiểm tra của FDA về độ an toàn và đánh giá theo quy trình thực hành sản xuất tốt (GMP) hay thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Cụ thể, trọng tâm của sự điều chỉnh trong luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm là sự chuyển đổi từ "phản ứng" với mối nguy hại sang các nguyên tắc "phòng ngừa".
Ông Herb Cochran - cố vấn chương trình thuận lợi hóa thương mại của Mỹ tại Việt Nam cho biết, nguyên tắc quan trọng trong các quy định an toàn thực phẩm này được gọi là "phân tích mối nguy" gồm một loạt các tài liệu, dẫn chứng, xác minh về việc tuân thủ quy trình HACCP của nhà nhập khẩu và đơn vị xuất khẩu.
Ông cũng chỉ ra 4 mối nguy quan trọng mà các mặt hàng thực phẩm, nông sản của Việt Nam thường gặp là: mối nguy về sinh học (bao gồm ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh); mối nguy về hóa học (phóng xạ, thuốc trừ sâu và dư lượng thuốc, độc tố tự nhiên, phân hủy thực phẩm, phụ gia, chất tạo màu không được sử dụng, các chất gây dị ứng thực phẩm); mối nguy vật lý (nhiễm bẩn thủy tinh hoặc kim loại); mối nguy từ vô tình hoặc cố ý để đạt được lợi ích kinh tế (làm giả, làm nhái…)
Mặt hàng gạo của Việt Nam từng bị trả về vì lý do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Việc đánh giá mối nguy này không chỉ bao gồm kiểm tra khi hàng hóa nhập cảng mà còn ở nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, chế biến, sản xuất và đóng gói, dán nhãn, vận chuyển tới điều kiện sản xuất của công ty, vệ sinh lao động. Ông Herb Cochran cũng cảnh báo, nếu cơ sở vi phạm một trong bốn mối nguy quan trọng, FDA có thể ban lệnh tạm dừng với cơ sở sản xuất và cấm đưa sản phẩm vào Mỹ. Đây cũng mới chỉ là quy định chung, không áp dụng cho nước trái cây, cá và các sản phẩm từ cá.
Theo bà Nguyễn Kim Thanh - chuyên gia về chuỗi cung ứng và an toàn thực phẩm thế giới, các tiêu chí về an toàn thực phẩm và giám sát chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào với sự tham gia của cả khối công và khối tư nhân được cả nhà sản xuất và nhà nhập khẩu tại EU sử dụng như "giấy thông hành" để vào từng thị trường thành viên trong nhiều năm qua. Do đó, để bắt kịp và hội nhập với thế giới, nhà sản xuất Việt Nam cần tuân thủ các quy trình sản xuất, thực hành nông nghiệp sạch từ đầu đến tận cuối chuỗi, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.