Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Phát triển hệ thống chuỗi dịch vụ logistics tại Hải Phòng - Nguy cơ mất lợi thế

 Hải Phòng là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc, có lượng hàng hóa thông qua lớn thứ 2 cả nước. Hải Phòng có đầy đủ các loại hình giao thông và tuyến hàng hải nối thẳng ra thế giới, hệ thống kho bãi, liên vận rải khắp thành phố… là cơ hội để chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics phát triển. Thế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp logistics Hải Phòng đang quá yếu kém, thực chất mới đảm đương một phần trong cả chuỗi logistics mà thôi…

Nhiều doanh nghiệp, ít dịch vụ
 
Theo thống kê của Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải-TDSI (Bộ Giao thông vận tải), Hải Phòng có khoảng 250 doanh nghiệp (DN) đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có 50 DN hoạt động tích cực, là thành viên của các hiệp hội về logistics trong cả nước. Hiện, Hải Phòng cũng có khoảng 20 công ty logistics đa quốc gia đang hoạt động như: DHL, UPS, FedEx…Số DN nội nhiều gấp gần 10 lần, nhưng 20 DN nước ngoài chiếm thị phần tới..80%. Có nghĩa là, DN logistics Hải Phòng đang “thua trắng” trên “sân nhà” vì quá yếu kém.
 
Lý giải về cách “thua”, theo các chuyên gia của TDSI, đó là cơ cấu DN của Hải Phòng tham gia vào mảng logistics rất yếu, chỉ phục vụ được một (hoặc một vài) mảng hoạt động trong cả chuỗi dịch vụ. TDSI đưa ra số liệu để chứng minh là các DN logistics Hải Phòng chỉ hoạt động ở 4 mức độ trong cả chuỗi logistics, đó là: đại lý giao nhận cung cấp dịch vụ khi khách hàng có yêu cầu; đóng vai trò là bộ phận gom hàng; trở thành nhà cung cấp dịch vụ cho các hãng tàu và đại lý giao nhận đóng vai trò vận tải đa phương thức. Nói cách khác là đi làm thuê. Càng nhiều DN mang thương hiệu logistics, càng làm thuê nhiều. Trong số này, các DN được gọi là logistics chủ yếu hoạt động trong công tác vận chuyển, đưa hàng ra khỏi cảng bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, còn lại là hình thức vận chuyển khác. Vì vận tải đường bộ quá lớn (chiếm 70%) và chi phí vận tải đường bộ lại cao (xăng dầu, cước phí đường bộ, chi phí quản lý, giám sát…), do vậy, giá cước cũng cao theo.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của logistics Hải Phòng là các DN không có được sự kết nối chặt chẽ với nhau, gần như “mạnh ai nấy làm, mảng ai nấy giữ”, rốt cục vẫn là làm thuê cho các DN nước ngoài, vốn đã mạnh, nay lại càng mạnh thêm. Không những thế, nhiều DN còn cạnh tranh nhau không lành mạnh. Nổi cộm nhất ở khu vực cảng biển Hải Phòng hiện nay là tình trạng ép giá dịch vụ của nhau xuống. Đánh giá của TDSI cho thấy, hiện mức giá trung bình bốc dỡ công-ten-nơ khu vực cảng biển Hải Phòng chỉ còn khoảng 36,5USD cho công-ten-nơ 20 feet và 55 USD cho công-ten-nơ 40 feet, so với 46 và 68 USD trước đây…
 
Thực tế cho thấy, logistics Hải Phòng chưa phát triển  là do không có DN mạnh, đủ tầm để “gánh vác” những phần việc lớn. Hiện, tới 70% số DN quy mô nhỏ (dưới 20 tỷ tiền vốn) và thiếu chuyên nghiệp. Trong khi đó, logistics (L) đòi hỏi phải có DN mạnh để vận chuyển hàng hóa từ nơi xuất phát (Origination-O) đến nơi kết thúc (Destination-D), gọi là chuỗi L-OD. Chuỗi vận chuyển đó bao gồm các loại phương tiện đi đôi với các loại thủ tục, điều kiện, phải giải quyết.

Cần xây dựng trung tâm logistics quy mô lớn


 Hải Phòng có tiềm năng đặc biệt để phát triển logistics, đó là vị trí địa lý, giao thông đa dạng, chính sách thông thoáng và có nhiều DN sẵn sàng tham gia vào chuỗi dịch vụ này. Hơn thế nữa, quy mô thị trường tăng trưởng rất cao, lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng tăng liên tục, cải cách thủ tục được làm quyết liệt để giải quyết nhanh chóng…Thời gian qua, một số đơn vị đã xây dựng tại Hải Phòng trung tâm logistics như: Tân Cảng, Trung tâm logistics Green, Trung tâm Ysuen logistics… Nhưng hầu như mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ và phục vụ chủ yếu cho chính các DN đó.
 
Xu hướng logistics tới đây là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý chặt chẽ, thuê dịch vụ và phát triển xanh trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, các DN tham gia cung ứng logistics phải đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp trên cơ sở mở rộng mối quan hệ. Nếu không có các mối quan hệ đầy đủ, sẽ đẩy quá trình cung ứng vào giai đoạn khó khăn với chi phí cao. Lấy ví dụ, chuyển hàng hóa từ Nga về Việt Nam sẽ bao gồm: vận tải ô tô-cẩu-kho bãi- thủ tục-tàu biển-cẩu-kho bãi-thủ tục-vận chuyển ô tô…. Đó là cả một chuỗi dịch vụ logistics cần có, nhưng hiện nay các DN ở Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung chỉ đủ lực tham gia vào một phần trong chuỗi logistics bao gồm: kho bãi, giao nhận, vận chuyển, thủ tục…
 
Theo TDSI, giải pháp cho phát triển logistics Hải Phòng là thành phố phải xây dựng một trung tâm logistics mang tầm vóc lớn tương xứng thì mới giải quyết được hết các điều kiện phục vụ chuỗi hoạt động logistics. Từ khu vực trung tâm sẽ tiếp tục phát triển các khu vệ tinh, bám sát và hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng. Việc xây dựng trung tâm logistics gắn liền với mở rộng và phát triển hệ thống cảng biển, nhằm thúc đẩy quá trình xuất nhập khẩu, kết nối hệ thống giao thông, kết nối quan hệ sản xuất…
 
Với tốc độ tăng trưởng logistics từ 25-30%/năm như hiện nay, Hải Phòng đang là điểm nóng về phát triển logistics. Do đó, nhu cầu về một khu logistics tập trung cần thiết hơn bao giờ hết, bởi sẽ đảm nhận ít nhất là 50% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ. Bên cạnh đó, phải kết hợp, nhanh chóng đào tạo nguồn lực cho logistics, đặc biệt là về ngoại ngữ và đề cao quản trị DN. Có như vậy Hải Phòng mới là trung tâm logistics của miền Bắc, có mạng lưới bao phủ, đáp ứng nhu cầu từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa trong nước và nước ngoài. 

TAGS :

cang doan xa cang hai phong dich vu xuat nhap khau hai phong