Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Quan trọng là muốn kiểm soát sở hữu chéo hay không!

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello, thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) trao đổi với Báo Hải quan về những vấn đề xung quanh việc sở hữu chéo.

 

Xin ông cho biết, vấn đề sở hữu chéo các TCTD của các nước trên thế giới như thế nào?

Theo tôi được biết, mô hình của một số nước là ngân hàng phối hợp với hệ thống DN để cùng phát triển, tạo ra sở hữu chéo. Vì các ngân hàng nằm trong hệ thống tập đoàn sẽ hỗ trợ tín dụng cho DN trong tập đoàn. Thông thường, DN muốn phát triển đều phải tiến hành nhiều dự án rủi ro, mở rộng thị trường, đổi mới sáng tạo nên cần vốn để cung cấp, thực hiện dự án. Nếu đi vay ngân hàng mà mối quan hệ không tốt thì khó tiếp cận tín dụng hoặc tiếp cận tín dụng với chi phí cao. Nên nếu là ngân hàng trong cùng hệ thống tập đoàn, có sự hiểu biết nhau thì có thể cấp tín dụng được, ít gây rủi ro về hệ thống.

Tuy nhiên, tại một số quốc gia khác, về cơ bản, họ luôn coi ngân hàng là tổ chức tài chính độc lập với các hoạt động của DN, không trực thuộc tập đoàn về sản xuất kinh doanh. Điều này để tạo ra sự kiểm soát, tách việc cấp tín dụng ra khu vực sản xuất để kiểm soát rủi ro tốt hơn, mặc dù chi phí vay vốn có thể cao. Xét về tổng thể, mô hình này sẽ tạo ra hệ thống an toàn hơn. Do đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, đa số quốc gia tìm cách hạn chế, giảm thiểu mô hình sở hữu chéo các TCTD. Vì ngay cả ngân hàng có hệ thống kiểm tra rủi ro tốt, chặt chẽ, nhưng rất dễ dẫn đến cấp tín dụng kém hiệu quả. Hơn nữa, nếu ngân hàng thuộc DN, DN có thể hạn chế không cho ngân hàng phát triển, muốn ngân hàng ở quy mô vừa phải để chỉ phục vụ DN đấy thôi. Nên khi ngân hàng độc lập hoàn toàn, có nhiều khách hàng nhỏ lẻ khác thì cơ hội vươn ra mở rộng sẽ cao.

Tại Việt Nam, tình hình sở hữu chéo các TCTD đang ở mức độ nào, thưa ông?

Tại Việt Nam, trước đây cũng có thời gian sở hữu chéo các TCTD hoạt động mạnh, nhưng Việt Nam đã nhận ra, nếu để phụ thuộc DN quá sâu, có thể dẫn đến hiện tượng thao túng tiền tệ, cấp tín dụng thiếu cẩn trọng. Vì thế, Việt Nam đã tiến tới kiểm soát sở hữu chéo các TCTD. Đây là hướng đi đúng, đặc biệt với một quốc gia có trình độ quản lý còn lỏng lẻo thì nên tách riêng để có khả năng giám sát, mặc dù vẫn còn hiện tượng sở hữu chéo các TCTD nhưng cấu kết lỏng lẻo hơn, minh bạch hơn chứ không chặt chẽ như trước đây.

Theo ông, tại sao có hiện tượng sở hữu “ngầm” hay che giấu thông tin về sở hữu chéo các TCTD tại Việt Nam?

Vấn đề của sở hữu chéo là minh bạch hay không minh bạch. Họ che giấu vì nước ta đã đưa ra quy định để hạn chế sở hữu chéo các TCTD. Các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khá đầy đủ, nhưng không loại trừ “lách luật”. Ví dụ như quy định ngân hàng không được sở hữu quá 5% vốn cổ phần tại ngân hàng thương mại khác… khiến các cá nhân, tổ chức phải sử dụng các hình thức che đậy, chỉ công khai một phần. Bởi vì khi DN sở hữu với nhau quá nhiều, cá nhân sở hữu quá nhiều dẫn đến tình trạng ngân hàng bị thao túng, tín dụng cho vay thiếu cẩn trọng. Một hệ thống như vậy có thể dẫn đến méo mó tín dụng, dễ gây đổ vỡ, khi đó đâu chỉ ngân hàng gánh chịu, bởi ngân hàng huy động vốn của người dân gửi tiền nên thành vấn đề của xã hội, không chỉ của riêng ngân hàng và DN.

Việc che giấu thông tin đều xuất phát từ lợi ích, giúp phục vụ cho DN sân sau của mình. DN có nhu cầu về vốn rất cao, nên cần có sở hữu để giúp DN tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Đây là cái mang lại lợi ích cho cá nhân, tổ chức nên họ khó lòng từ bỏ. Vì thế, các cơ quan quản lý phải tìm cách ngăn chặn tình trạng này.

Với tình hình nêu trên, việc kiểm soát sở hữu chéo các TCTD cần được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Thời gian qua, Chính phủ cũng nhận ra những hệ lụy của sở hữu chéo các TCTD nên đã đưa ra nhiều giải pháp để khoanh vùng sở hữu chéo, giải quyết từng vấn đề với các quy định pháp lý được đưa ra. Đây đều là những hành động giúp sở hữu chéo các TCTD minh bạch hơn, nằm trong kiểm soát của NHNN.

Nhưng vì sở hữu “ngầm”, che giấu thông tin vẫn còn nên phải tìm cách tăng cường giám sát, quy trách nhiệm cá nhân lên hoạt động giám sát. Nếu NHNN thấy rằng điều đấy không tốt cho toàn hệ thống thì phải có quyết tâm thay đổi mạnh mẽ, có biện pháp giám sát mạnh mẽ. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng không phải khó kiểm soát, vì ngân hàng là hệ thống ghi chép dòng tiền một cách rõ ràng, minh bạch, công khai nhất, tất cả giao dịch đều đưa lên trên hệ thống chung của NHNN. Dòng tiền gửi vào đâu, rút vào đâu, cho ai vay đều xuất hiện bút toán trên hệ thống. Ngân hàng không phải như DN nhỏ, chỉ có sổ sách ghi chép bình thường hoặc không có sổ sách, nên việc kiểm soát sở hữu chéo các TCTD không khó, quan trọng là có muốn kiểm soát hay không.

Xin cảm ơn ông!

TAGS :