Rốt ráo sửa đổi điều kiện xuất khẩu gạo
Điều kiện kinh doanh XK gạo được Bộ Công Thương đề xuất đơn giản theo hướng bỏ yêu cầu về quy mô trong từng điều kiện và thay vào đó áp dụng quy chuẩn; vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong việc điều hành XK gạo cũng sẽ bị khống chế. Đây là những mấu chốt căn bản để tháo bỏ "rào chắn" cho DN XK gạo.
Đơn giản hóa quy mô
Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo có lẽ đã tiêu tốn không ít giấy mực bởi kể từ khi ra đời cho đến nay, nghị định vẫn chưa hoàn thành “sứ mệnh”, đó là lập lại trật tự thị trường lúa gạo. Thậm chí, khi đi vào thực tiễn, Nghị định 109 còn bị cho là “ngáng chân”, cản trở sự phát triển của DN lúa gạo nói riêng và ngành lúa gạo nói chung. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi trong cách quản lý. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng phải thừa nhận, trong bối cảnh XK gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm, cần thiết phải xóa bỏ những thủ tục gây khó cho DN, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh giúp DN tiếp cận thị trường tốt hơn.
Tổ Biên tập và Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 109 được Bộ Công Thương thành lập từ hồi đầu năm 2017 sau khi Bộ này quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 được quán triệt trên tinh thần tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân.
Trong đợt rà soát các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương, điều kiện XK gạo cũng được đưa ra xem xét, bàn luận. Tuy nhiên, trong số 675 điều kiện, thủ tục được cắt giảm tuần rồi, Bộ Công Thương không đưa điều kiện kinh doanh XK gạo vào diện cắt giảm. Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), do XK gạo còn liên quan đến an ninh lương thực trong nước nên phải đảm bảo mức độ dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực. Có lẽ vì lý do đó mà điều kiện XK gạo được đề xuất đơn giản hóa theo hướng bỏ yêu cầu về quy mô trong từng điều kiện và thay vào đó áp dụng quy chuẩn.
Đại diện cho cộng đồng DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khá đồng tình với mục tiêu sửa đổi Nghị định 109 để loại bỏ các rào cản không cần thiết, đặc biệt là các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với mặt hàng gạo của Việt Nam.
“Việc sửa đổi Nghị định 109 theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh XK gạo là rất cần thiết. Dự thảo Nghị định đã thể hiện rất rõ tinh thần này bằng việc đơn giản hóa rất nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh XK gạo cũng như đăng ký hợp đồng XK. Cùng với việc bỏ quy hoạch thương nhân NK gạo, việc sửa đổi Nghị định 109 được kỳ vọng sẽ giúp ngành lúa gạo của Việt Nam có những bước phát triển trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định.
Xóa vị trí "thao túng" của Hiệp hội
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi Nghị định 109 theo hướng không bắt buộc thương nhân phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh; thương nhân có thể sở hữu hoặc thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh XK gạo. Bên cạnh đó, dự thảo còn bỏ quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh; điều chỉnh giảm quy mô kho chứa thóc, gạo từ 5.000 tấn xuống còn 3.000 tấn thóc, gạo; không quy định quy mô công suất cơ sở xay, xát, chế biến, chỉ yêu cầu các cơ sở này phù hợp với quy chuẩn do Bộ NN&PTNT ban hành…
Ngoài vấn đề quy mô trong từng điều kiện nhằm tạo thông thoáng cho hoạt động XK gạo, vấn đề vẫn đang gây “nhức nhối” dư luận đó là vai trò của VFA trong việc thao túng thị trường lúa gạo. Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân thừa nhận, trong hoạt động XK gạo vai trò của VFA vẫn còn tồn tại nhiều.
Thực tế cho thấy, với bất kỳ hiệp hội nào, tôn chỉ mục đích đầu tiên là phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Tuy nhiên, khác với nhiều hiệp hội khác, VFA có quyền hạn quá lớn, thậm chí còn làm thay công việc của cơ quan quản lý, đó là công bố giá sàn, đăng ký hợp đồng XK và phân phối quota XK gạo. Với các hợp đồng XK cấp Chính phủ theo dạng hợp đồng tập trung, VFA sẽ chủ trì phân chia quota cho các nhà XK mà họ chọn lựa. Còn các DN ký hợp đồng thương mại thì cũng phải được sự đồng ý của VFA mới được XK. Không chỉ vậy, lãnh đạo của VFA qua các đời đều là lãnh đạo của DN nhà nước cụ thể là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1).
Với những lẽ đó, ông Tân cho hay, trong dự thảo mới nhất sẽ tạo điều kiện cho DN tự do tham gia XK gạo, tự chủ trong ký kết hợp đồng. Theo đó, bãi bỏ quy định về thủ tục đăng ký hợp đồng XK gạo tại VFA, thay bằng cơ chế thông báo hợp đồng XK gạo trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Vai trò của VFA sắp tới sẽ được định hướng theo tính chất nắm bắt thông tin.
Hiện nay, bản dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến để hoàn thiện. Với sự thay đổi lớn đó, nhiều DN đang kỳ vọng sẽ có cơ hội tham gia kinh doanh XK gạo, từ đó giúp tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, đồng thời phát triển ngành lúa gạo trong thời gian tới.