Sản xuất công nghiệp sẽ “chuyển mình” như thế nào?
Năm 2017, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Điều này tạo bước đệm quan trọng cho phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2018 theo hướng có chiều sâu hơn.
Tăng trưởng 9,4%
Theo Bộ Công Thương, năm 2017, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016 và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%). Trong đó, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã vượt khó đạt tăng trưởng chỉ số sản xuất toàn ngành 14,5%, khẳng định vai trò là trụ đỡ, động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: “Điều này không chỉ trực tiếp góp phần vào bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của toàn ngành công nghiệp năm 2017 mà quan trọng hơn đã và đang cho thấy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực. Trong đó, nhiều ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao và vững chắc qua các quý trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn như: Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 32,7%; ngành sản xuất kim loại tăng 17,6%; ngành dệt tăng 10,2% ...”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay: Tồn kho các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với mức tăng của năm 2016. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tại thời điểm ngày 1/12/2017 tăng 8% (cùng kỳ tăng 8,3%). Đây là mức tồn kho hợp lý, phù hợp với tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành và là mức tồn kho theo kế hoạch để chuẩn bị cho vụ tiêu thụ trong thời gian tới.
Liên quan tới phát triển sản xuất công nghiệp năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá: Sản xuất công nghiệp là động lực quan trọng giúp ngành kinh tế đạt tăng trưởng nói chung. Điểm sáng trong khu vực công nghiệp là công nghiệp chế biến chế tạo với tăng trưởng 14,5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng công nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét, tích cực, giảm dần phụ thuộc NK.
Trên thực tế, bên cạnh những kết quả nổi bật, ngành sản xuất công nghiệp hiện cũng còn tồn tại không ít hạn chế. Đó là sản xuất công nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng của việc sụt giảm nhóm ngành khai khoáng (giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2016). Việc cung ứng điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của cả nước tuy được bảo đảm với mức tăng cả năm 9,4% song thấp hơn mức 10% - 10,5% dự kiến đầu năm 2017 và thấp hơn so với mức tăng 11,5% của năm 2016. Theo Bộ Công Thương, chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành tuy có tăng nhưng còn chậm (dệt may, da giày, điện tử...). Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
“Chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng cho thấy sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn NK. Qua đây cũng cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu mục tiêu đề ra. Ngoài ra, đầu tư cho sản xuất còn nặng về xây dựng mới, nhẹ về đầu tư chiều sâu cho các cơ sở sẵn có, không tận dụng tốt các nguồn lực. Vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp đa số tập trung vào các ngành có thời gian hoàn vốn ngắn như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm, số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cần phát triển có chiều sâu hơn
Năm 2018, Bộ Công Thương xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp là: Khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các DN nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có điều hành linh hoạt, kịp thời và hỗ trợ các DN trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh tối ưu, nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới…
Ghi nhận những kết quả đạt được nói chung của ngành Công Thương trong năm 2017, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Phát triển lĩnh vực sản xuất công nghiệp, XNK và thương mại nội địa cần có chiều sâu hơn nữa, trong đó phải đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp... “Đổi mới công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động… là các vấn đề cần được quan tâm trong ngành công nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ đại diện cho các DN trực tiếp tham gia sản xuất, XK, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho hay: Năng suất lao động là vấn đề rất đáng quan tâm trong lĩnh vực sản xuất da giày, túi xách nói riêng và các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác nói chung. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều tính năng suất lao động theo giờ. Trong khi năng suất của các DN da giày Việt Nam trung bình là 0,6-0,7 USD/giờ thì nhiều DN ngoại, có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt tới năng suất 1,2 USD/giờ. Đây là thách thức khá lớn đối với các DN Việt. “Thời gian gần đây, hầu hết DN trong ngành đều tỏ ra khá lo lắng. Tôi đề xuất cần có hội đồng chuyên môn thống kê về năng suất lao động của từng ngành sản xuất để biết các ngành của Việt Nam đang đứng ở đâu, từ đó có biện pháp nâng cao năng lực của từng ngành, không đạt mức ngang bằng thì ít nhất cũng đạt 90% so với DN ngoại”, ông Thuấn bày tỏ quan điểm".