Sẽ có hệ thống dữ liệu thông tin về thị trường lúa gạo
Bộ Công Thương vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc bộ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Kế hoạch và giải pháp phát triển từng thị trường xuất khẩu gạo, tập trung vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng do Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ chủ trì phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên. Kế hoạch này được xây dựng trong giai đoạn 2017-2018 và triển khai từ 2018-2030.
Việc theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới và trong nước để kịp thời đề xuất giải pháp ứng phó với biến động của thị trường được giao cho Cục Xuất nhập khẩu chủ trì.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại sẽ thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lúa gạo, tổ chức cập nhật thông tin và duy trì vận hành, cập nhật thông tin thị trường lúa gạo phục vụ công tác điều hành và phát triển thị trường xuất khẩu.
Đối với yêu cầu hoàn thiện thể chế, Cục Xuất nhập khẩu rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo phù hợp với tình hình thị trường; sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn; rà soát, tổng hợp tình hình hình, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, điều tiết hoạt động nhập khẩu thóc, gạo.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của thương nhân xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu có nhiệm vụ định hướng, hỗ trợ các thương nhân xây dựng chiến lược mặt hàng, thị trường xuất khẩu gạo của doanh nghiệ[; nâng cao năng lực công tác thị trường, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế…
Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có đề ra nhiều mục tiêu.
Theo đó, phấn đấu vào năm 2030 lượng gạo xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn; tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).