Tăng 'chất' cà phê Việt
Nhằm tăng giá trị xuất khẩu cũng như khẳng định vị thế cho cà phê Việt, cần đẩy mạnh tái canh cây cà phê, nâng cao chất lượng hạt, đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017, lượng cà phê xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD, giảm 19% về lượng và giảm 2,7% về trị giá so với năm 2016. Giá XK bình quân đạt 2.249 USD/tấn, tăng 20,1% so với năm 2016. Năm qua, XK cà phê giảm mạnh do nguồn cung trong nước giảm do bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhờ giá cà phê toàn cầu tăng cao, kim ngạch XK mặt hàng này chỉ giảm 2,7% so với năm 2016.
Dù là mặt hàng XK tỷ USD với chủng loại cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng ngành cà phê Việt Nam chưa chủ động được thị trường, giá, điều tiết lượng XK. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả XK cà phê dao động rất lớn giữa các năm. Một điểm hạn chế của cà phê Việt, đó là công nghệ chế biến yếu. Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1.503 triệu tấn, tổng công suất thực tế 1.256 triệu tấn (đạt 83,6%). Cà phê rang xay có 160 cơ sở chế biến với tổng công suất thiết kế 51.664,4 tấn sản phẩm/năm. Cà phê hòa tan nguyên chất hiện có 8 nhà máy quy mô lớn với tổng công suất thiết kế 36.480 tấn/năm, công suất thực tế đạt 97,9%; chế biến cà phê hòa tan phối trộn có 11 nhà máy quy mô lớn với tổng công suất 139.850 tấn/năm, công suất thực tế đạt 81,6%.... Tỷ lệ cà phê chế biến sâu vẫn còn rất khiêm tốn khi chiếm chưa đến 10% sản lượng cà phê cả nước.
Dự báo, XK cà phê của Việt Nam năm 2018 sẽ tăng do sản lượng cà phê tăng và tiêu thụ cà phê thế giới niên vụ 2017/2018 được dự báo tăng 1,3% so với niên vụ trước. Trong đó, tiêu thụ của một số thị trường được dự báo tăng như: EU 0,7%; Hoa Kỳ 1,8%; Braxin 0,8%; Nhật Bản 1,1%... Sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo sẽ tăng khoảng 7,1% so với niên vụ trước. Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam - cho biết, việc đẩy mạnh khâu chế biến, trong đó có cà phê rang xay, hòa tan là rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị XK cà phê Việt.
Hiện, nhu cầu thế giới đối với sản phẩm cà phê, đặc biệt đối với nhóm nước uống có sử dụng cà phê tiềm năng hiện tại khoảng 500 tỷ USD, trong khi đó, "miếng bánh" thị phần cà phê Việt Nam còn rất nhỏ, XK cà phê năm 2017 mới đạt 3,4 tỷ USD. Để giữ vững được cây cà phê, nâng cao được giá trị XK, không còn cách nào khác là nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho cây trồng này. Để thực hiện, có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, cần thay đổi từ khâu sản xuất bằng việc tái canh 60% diện tích cà phê đã già cỗi cùng với đó là phải cơ cấu lại ngành hàng này...