Than nhập khẩu tăng cao cả về lượng và giá trị
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, lượng than nhập khẩu trong tháng 3/2017 là gần 2 triệu tấn, trị giá là 217 triệu USD, tăng 76,9% về lượng và tăng 47,8% về trị giá.
Tính đến hết quý I/2017, cả nước nhập khẩu 3,61 triệu tấn với trị giá là 410 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng tới 95,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu than từ 2 thị trường chính là Nga (với 1,26 triệu tấn, tăng 14,5%) và Indonesia (với 1,07 triệu tấn, tăng 132% so với quý I/2016).
Theo các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, thì việc nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện (bao gồm cả than Anthraxit và than nhiệt năng).
Tuy nhiên, lượng than nhập khẩu tăng đang gây nhiều hệ lụy cho ngành Than trong nước. Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, sản xuất, kinh doanh của ngành Than tiếp tục gặp nhiều khó khăn do than trong nước phải cạnh tranh với than nhập khẩu có giá thành thấp.
Theo Bộ Công Thương, để đảm bảo bù đắp được giá thành, phù hợp với thị trường tiêu thụ than, và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã điều chỉnh giá than tăng từ 3%-10,7% (tùy từng chủng loại). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại các đơn vị chưa ký hợp đồng mua than năm 2017 với TKV do chưa thống nhất về giá bán than áp dụng từ 24/04/2016 theo Quyết định số 3005/QĐ-TKV.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM