TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp thu hút đầu tư FDI
Doanh nghiệp FDI có đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của TP.HCM. Đây là yếu tố quan trọng giúp thành phố chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và đạt mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, TP.HCM đã có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án FDI có chất lượng.
Đầu tư FDI tăng mạnh
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2017, vốn FDI vào thành phố có khởi sắc, với tổng vốn đầu tư hơn 3,23 tỷ USD, tăng gấp 1,57 lần so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, TP.HCM đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 515 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 788,19 triệu USD. Có 134 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 593,54 triệu USD. Ngoài ra, TP.HCM cũng chấp thuận cho 1.418 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các DN thành phố với tổng vốn đăng ký đạt 1,85 tỷ USD.
Trong đó, Hoa Kỳ có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 249,28 triệu USD, chiếm 31,1%; Singapore chiếm 17% với 136 triệu USD; Hàn Quốc chiếm 16% với 128,25% triệu USD; Nhật Bản chiếm 9,4% với 75,4 triệu USD. Dự án FDI cấp mới phân theo ngành nghề/lĩnh vực hoạt động gồm: Chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất chiếm 48,5% với 389,2 triệu USD. Bán buôn và bán lẻ, sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 18,1% với gần 145 triệu USD; Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 15,4% với 123,22 triệu USD; Thông tin và truyền thông chiếm 8,4% với 67,15 triệu USD.
Hiện, trên địa bàn thành phố có 7.114 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 42,39 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn mà TP.HCM thu hút từ đầu năm đến nay điển hình như: Dự án Saigon Silicon do Công ty cổ phần Công viên Saigon Silicon City làm chủ đầu tư hợp tác với Trung tâm Thương mại thế giới bang Utah (Hoa Kỳ) thực hiện. Dự án Saigon Silicon được xây dựng trên diện tích 52 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD, có mục tiêu hoạt động là trở thành một đô thị thông minh, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và tiện ích, nhằm thu hút các DN của nước ngoài…
Hay như dự án đầu tư của CJ Cầu Tre (Hàn Quốc) để xây dựng một tổ hợp chế biến thực phẩm từ thịt và thủy sản tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có tổng vốn đầu tư khoảng 53,3 triệu USD trên diện tích 7,1 ha, gồm các hạng mục: Nhà máy chế biến thực phẩm, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm an toàn thực phẩm hiện đại… Giai đoạn một của dự án có công suất thiết kế khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm.
Thu hút đầu tư vào các ngành có giá trị cao
Để phát triển bền vững, thu hút nhiều hơn nữa từ các nhà đầu tư FDI, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM từ nay đến cuối năm cần triển khai các giải pháp thu hút vốn FDI, trong đó tập trung thu hút đầu tư vào các ngành nghề tạo giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới… Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, bỏ những thủ tục làm phát sinh chi phí không chính thức cho DN. Tiếp tục, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giúp tiết kiệm thời gian và giảm tối đa chi phí cho DN…
Để thu hút vốn FDI những tháng cuối năm, hiện TP.HCM xác định phải tìm ra phương pháp để 4 ngành công nghiệp trọng yếu phát triển (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến lương thực thực phẩm). Cụ thể như ngành cơ khí chế tạo tiếp tục tập trung để tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đã chuyển mạnh mẽ với việc đầu tư nhiều trang thiết bị mới có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Nhiều dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc điều khiển tự động đã được DN sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao do chất lượng ổn định và giá thành khoảng 50-70% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Ngành điện tử-công nghệ thông tin ngày càng phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử…
Ngoài ra, để thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp T.HCM có giải pháp thúc đẩy nhanh các dự án tại các khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3, Vĩnh Lộc mở rộng, Phong Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Hiệp Phước giai đoạn 2, Đông Nam, Cơ khí Ô tô và An Hạ.
Về nguồn nhân lực phục vụ khu chế xuất - khu công nghiệp, UBND TP.HCM giao các cơ quan chức năng kiến nghị Trung ương đổi mới chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; phối hợp với các trường đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của TP.HCM.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao Sở Công Thương đánh giá hiệu quả hoạt động trong thời gian qua của các cụm công nghiệp cũng như tình hình cho thuê đất và hiệu quả đầu tư tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.