Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Trông đợi điều gì từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài?

Các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã có đóng góp quan trọng vào kết quả nổi bật trong hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Để tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò tiên phong, “cầu nối” giữa Việt Nam với thế giới của các Thương vụ trong thời gian tới, việc giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại là điều không thể trì hoãn.

Đổi mới xúc tiến thương mại

Theo Bộ Công Thương, hiện số Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như lực lượng biên chế được giao khá khiêm tốn với các con số lần lượt là 57 Thương vụ và 139 biên chế. Mặc dù vậy, trong suốt thời gian qua, đặc biệt hai năm 2016-2017, các Thương vụ đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ được giao, chủ động tìm hiểu thị trường sở tại và thông tin kịp thời, hỗ trợ tốt cho các DN.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, 2 năm qua, các Thương vụ đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM). Thông qua tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp hoặc trao đổi bằng email, các Thương vụ đã hỗ trợ DN trong và ngoài nước tìm hiểu thông tin về thị trường, cập nhật các quy định về XNK, kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác và nguồn hàng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, điểm đáng chú ý là, công tác XTTM của các Thương vụ đã bước đầu có sự đổi mới theo hướng tập trung XTTM một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh, giảm bớt các hoạt động XTTM chung chung. Các Thương vụ tại Italy, Liên bang Nga, Pháp, Nhật Bản, Australia, Lào, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc ... đã tích cực phối hợp với các Vụ khu vực trong việc đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam tiếp cận các chuỗi phân phối tại nước sở tại, định kỳ tổ chức ngày bán hàng, tuần bán hàng Việt Nam tại các chuỗi phân phối này, đồng thời kết nối DN Việt Nam với các chợ nông sản đầu mối tại nước sở tại.

Khi kinh tế hội nhập sâu rộng, rào cản thuế quan từng bước được cởi bỏ thì các hàng rào phi thuế quan đồng thời lại ngày càng được dựng lên tại các thị trường. Trong bối cảnh đó, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới vai trò của các Thương vụ trong “cuộc chiến” vượt qua các rào cản này nhằm đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập tốt hơn các thị trường XK. Theo Bộ Công Thương, trong hai năm 2016-2017, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà nước sở tại áp dụng đối với hàng XK của Việt Nam. Cụ thể, Thương vụ đã cung cấp thông tin và phối hợp xử lý 12 vụ việc phòng vệ thương mại trong năm 2016, 13 vụ trong năm 2017 và hàng chục vụ việc chống bán phá giá phát sinh từ những năm trước.

“Cầu nối” hiệu quả cho DN

Một số chuyên gia cho rằng, một trong những vai trò đáng kể của các Thương vụ ở giai đoạn kinh tế hội nhập sâu rộng là hỗ trợ các DN Việt tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế. Bộ Công Thương nêu rõ, về hỗ trợ DN, thời gian qua, hoạt động thường xuyên của các Thương vụ tập trung vào cung cấp thông tin liên quan đến chính sách quản lý XNK của nước sở tại và Việt Nam; hỗ trợ DN trong tìm hiểu thị trường, kết nối với đối tác và ký kết hợp đồng; hỗ trợ DN trong nước xác minh, tìm hiểu thông tin về đối tác tại địa bàn; tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp; tư vấn các vấn đề pháp lý giúp DN trong nước đưa hàng hóa tiếp cận thị trường sở tại... Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá: Hệ thống Thương vụ có thể nói đã trở thành “cầu nối” hiệu quả giữa doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các DN trong nước, hướng các doanh nhân người Việt ở nước ngoài tham gia đưa hàng của Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có việc đưa trực tiếp vào các kênh phân phối hoặc vào các khu chợ, cửa hàng của người Việt.

Đứng từ góc độ đại diện cho DN, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay: Trong thời kỳ hội nhập mở cửa, tham gia nền kinh tế quốc tế, 20 năm qua, phát triển ngành dệt may gắn liền với mở rộng thị trường. Những thập niên 1990, thập niên 2000, Thương vụ ở tất cả các nước trên thế giới đã hỗ trợ DN dệt may rất lớn. Ngành dệt may đi từ chỗ, DN dệt may trong nước hoàn toàn không tiếp xúc với đối tác nước ngoài, hạn chế về ngoại ngữ, văn hóa kinh doanh của các nước…, đến nay đã có được đội ngũ cán bộ tương đối trưởng thành, chủ động với khách hàng của các nước.

“Thời điểm hiện tại, có thể nói, các Thương vụ không gặp nhiều DN dệt may đến nhờ cậy nữa, nhất là tại thị trường Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc… DN dệt may Việt Nam hoàn toàn chủ động tiếp cận thị trường. Kết quả này không tự nhiên mà có. Đó là nhờ quá trình trên 10 năm qua được sự hỗ trợ, hợp tác của các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng hỗ trợ ngành dệt may để thúc đẩy XK hàng hóa sang các thị trường chính ngạch đạt mục tiêu đặt ra trong nhiều năm qua, nhất là trong 3 năm gần đây khi toàn bộ tổng cầu thế giới về dệt may không tăng”, ông Trường nói.

Cần đổi thay cơ cấu Thương vụ

Dễ thấy, kinh tế càng hội nhập sâu rộng, tầm quan trọng của các Thương vụ, Tham tán thương mại càng được khẳng định. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động của các Thương vụ cũng còn tồn tại không ít vướng mắc, khó khăn.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cho hay: Australia là thị trường NK đầy tiềm năng đem đến cả cơ hội và thách thức cho DN Việt Nam. Thị trường này tương đối mở, không áp dụng hạn ngạch NK và hầu hết thuế NK đều từ 0-5%.  Tuy nhiên, Chính phủ Australia đưa ra rất nhiều quy định NK, đặc biệt là quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.

Thời gian qua, hoạt động của các Thương vụ nói chung và Thương vụ Việt Nam tại Australia nói riêng tập trung chủ yếu vào mảng thông tin, nghiên cứu cơ chế chính sách nước sở tại, hỗ trợ DN… Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hiện nay là nhân lực và vật lực dành cho các Thương vụ nói chung chưa đáp ứng được hết nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa các nước. “Điển hình như tại Thương vụ Việt Nam tại Australia, hiện nay chỉ có 2 người với lượng công việc khá lớn. Nguồn kinh phí đặc thù dành cho các hoạt động XTTM chỉ 15.000 USD/năm. Điều này khiến Thương vụ phải nỗ lực rất nhiều”, bà Thúy nói.

Cũng theo bà Thúy, với cơ chế hiện tại, các Thương vụ chủ yếu chỉ giải quyết được nhiệm vụ thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế chính sách thị trường. Nhiệm vụ XTTM, đầu tư công nghiệp còn nhiều hạn chế. Do vậy, để thúc đẩy hoạt động Thương vụ, bà Thúy đề nghị cần thay đổi cơ cấu tổ chức Thương vụ theo hai phương án. Thứ nhất là có thể giữ nguyên Thương vụ như hiện nay. Thương vụ trực thuộc một bộ phận của cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu chính sách. Theo phương án này, các Tham tán thương mại sẽ đóng vai trò tương tự như các Tham tán khác như Tham tán chính trị, Tham tán kinh tế, Tham tán giáo dục… Tuy nhiên, ngoài cơ quan Thương vụ ra, có thể thành lập Văn phòng XTTM, tách riêng khỏi cơ quan ngoại giao và hoạt động có thu. Văn phòng XTTM sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho các yêu cầu tối thiểu để duy trì văn phòng. Kinh phí thu được từ hoạt động có thu sẽ phục vụ cho hoạt động XTTM, hỗ trợ DN một cách thiết thực và hiệu quả.

Thứ hai là giữ nguyên Thương vụ như hiện nay, làm cả hai nhiệm vụ nghiên cứu chính sách và XTTM, song phải cho phép thu phí đối với một số dịch vụ cụ thể do yêu cầu của DN. Với cả hai phương án trên, việc cho phép thuê nhân viên bản địa cần được xem xét vì nhân viên bản địa thông thạo thị trường, ngôn ngữ bản địa nên dễ hoạt động, nắm bắt thị trường, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Trong khi đó, cán bộ Việt Nam sang cũng cần thời gian tương đối với có thể thông thạo thị trường và có mạng lưới DN. Đến lúc thông thạo thị trường thì lại hết nhiệm kỳ về nước.

TAGS :