Ứng dụng hiệu quả công nghệ vào quản trị nhân sự, cách nào?
Việc công nghệ số ngày càng phát triển đã có những tác động trái chiều tới quản trị và lãnh đạo nhân sự của doanh nghiệp. Phải làm gì để ứng dụng công nghệ vào đổi mới nhân sự, tiết giảm chi phí, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm.
Chia sẻ tại sự kiện về công nghệ nhân sự - HR Tech Asia Conference & Expo 2017 diễn ra mới đây, ông Grahu Goyal, Giám đốc điều hành ADP Ấn Độ và Đông Nam Á đã nêu thực tế hiện nay của sự phát triển công nghệ tác động đến hoạt động nhân sự của doanh nghiệp. Ông Grahu Goyal cho biết, chúng ta đang ngày càng có nhiều công ty hạng nhẹ, không cần văn phòng lớn, không nhiều nhân sự nên họ có thể phá vỡ những giới hạn về địa lý, họ có thể dùng công nghệ để tương tác từ nhiều văn phòng khác nhau trên thế giới như trường hợp của Uber chẳng hạn.
Theo ông Grahu Goyal, nhờ công nghệ, chúng ta sử dụng nhân công linh hoạt hơn, chúng ta có thể tuyển dụng họ khắp nơi, hiệu suất làm việc của người lao động cũng được nâng cao. Hiện rất nhiều công ty đã sử dụng Big Data, IoT để biết được những việc xung quanh.
Mặc dù vậy, sự phát triển của công nghệ ở nơi làm việc cũng có mặt trái của nó. Cụ thể, nhân viên không thấy sự gắn bó lâu dài, ổn định với một công ty, bởi họ có nhiều kỹ năng và cơ hội để tiếp cận với những nơi làm việc khác; trong khi đó nhà tuyển dụng thì nghĩ họ có thể tìm được nhân viên khác tốt hơn. Bên cạnh đó, công nghệ đang lấy đi tính “nhân văn” trong vấn đề chăm sóc, trải nghiệm của khách hàng với doanh nghiệp. Đôi khi khách hàng cảm thấy không thoải mái nếu như họ gọi điện đến doanh nghiệp để nhờ tư vấn hay chăm sóc và chỉ nhận được những lời phản hồi tự động (trên mạng xã hội hoặc tư vấn trực tuyến).
“Mỗi doanh nghiệp cần phải chú ý để hài hòa giữa việc áp dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị nhân sự nhưng cũng không làm mất đi tính “nhân văn” trong hoạt động giao tiếp, tương tác giữa người với người. Đừng biến mình thành những con robot ở nơi công sở” - ông Grahu Goyal nhấn mạnh.
Còn theo bà Bùi Thy Hương đại diện PwC Việt Nam, gầy đây, người ta nhắc nhiều đến khái niệm cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và những thách thức mà nó mang lại. Dựa trên công nghệ, công ty Cisco tạo điều kiện cho nhân viên làm việc ở nhà, từ năm 2005 đến nay, họ tiết kiệm được 277 triệu USD, thực tế này cho thấy công nghệ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí nhưng vẫn kết nối được nhân viên.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp cũng có những thay đổi nhất định nhưng chưa thực sự toàn diện và chưa nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ bởi công nghệ chưa phát triển chín muồi. Bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải linh hoạt nhiều phương pháp để tận dụng sự thay đổi của công nghệ. Lý do, phần lớn doanh nghiệp Việt chỉ tập trung nguồn lực vào những hoạt động thường nhật, có rất ít đơn vị áp dụng công nghệ vào trong hoạt động quản lý nhân sự.
“Muốn áp dụng hiệu quả sự phát triển của công nghệ vào việc quản lý nhân sự doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy về việc sử dụng công nghệ để quản trị nhân sự; Thay đổi chuyển đổi bộ phận nhân sự; Thay đổi cơ cấu nhân sự để hỗ trợ chiến lược xây dựng, phát triển công ty trong tầm nhìn 5 - 10 năm…” bà Hương nói.